Washington và Bắc Kinh vừa tu chính một thoả thuận Mỹ-Trung quy định cách hành xử để giữ an toàn khi máy bay quân sự của hai bên gặp nhau trên không, trong bối cảnh ngày càng xảy ra các cuộc chạm mặt thường xuyên hơn, và giữa lúc Hoa Kỳ đang cân nhắc việc điều máy bay và tàu áp sát các đảo mà Trung Quốc mới bồi đắp ở Biển Đông.
Hãng tin AP hôm nay tường thuật rằng thoả thuận này quy định phi công của hai nước phải duy trì một khoảng cách an toàn, phải liên lạc với nhau một các rõ ràng, và tránh những cử chỉ không thân thiện, hoặc có thể gây xúc phạm cho phía bên kia.
Điểm tu chính thứ 3, đòi hỏi 'phi hành đoàn quân sự phải tự chế, không dùng những lời lẽ bất nhã hoặc những cử chỉ kém thân thiện', theo AP, cho thấy mức độ hai bên hy vọng có thể tránh được những sự va chạm ngoài ý muốn, mặc dù không có chứng cớ về sự khiêu khích trong các vụ chạm trán mới đây giữa hai bên.
Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết các điều tu chính thoả thuận Mỹ-Trung không lâu sau chuyến công du chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington, tiếp theo sau khi xảy ra vụ việc hôm 15/9, khi hai chiến đấu cơ Trung Quốc cản đường bay của một máy bay trinh sát của không lực Hoa Kỳ đang thực hiện một phi vụ tuần tiễu cách bờ biển Trung Quốc 130 km. Phía Mỹ cho rằng hành động của hai chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc 'không an toàn'.
Trong một sự cố trên không nghiêm trọng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra vào 2001, một máy bay trinh sát EP-3 của Hải quân Mỹ và một chiến đấu cơ Trung Quốc đâm vào nhau trên không phận Biển Đông, giết chết một phi công Trung Quốc và buộc phi công Mỹ phải đáp xuống một căn cứ của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Bắc Kinh bắt giữ 24 thành viên phi hành đoàn trong hơn 1 tuần, gây ra cuộc khủng hoảng lớn nhất trong các quan hệ song phương trong một thập niên.
Trong trường hợp đó, phi công của Trung Quốc Vương Vĩ, đã bay gần phi cơ Mỹ tới mức phi hành đoàn có thể đọc được địa chỉ email của ông ta viết trên một tờ giấy mà ông ta giơ lên cao từ trong phòng lái.
Những hành động nguy hiểm đó của các phi công Trung Quốc cần được kiềm chế, theo lời ông Denny Roy, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii.
Chuyên gia này nhận định rằng bằng cách ký biên bản ghi nhớ và những điều khoản tu chính kèm theo để duy trì an toàn trong những lần máy bay quân sự hai nước đối mặt nhau trên không, Bắc Kinh muốn đánh đi tín hiệu tới Mỹ rằng những sự thách thức trên không không phải là chính sách của nhà nước.
Và theo ông, đây là một bước tích cực cho các quan hệ song phương. Trong khi đó, Biển Đông vẫn là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất.
Tuần trước, Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô Đốc Scott Swift nói các binh sĩ dưới quyền ông sẵn sàng tuần tra trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo mà Trung Quốc mới xây trong Biển Đông, hành động đó củng cố lập trường của Washington, một mặt không công nhận vùng biển này là thuộc lãnh hải của Trung Quốc, và mặt khác, tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải tại vùng biển mà Mỹ và các nước đồng minh coi là biển quốc tế.
Theo tin AP, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng hoan nghênh việc ký kết các điều khoản tu chính để tránh đối đầu trên không với Mỹ. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói đây là ‘một bước tích cực có ý nghĩa nhằm củng cố sự tin cậy chiến lược giữa hai nước, và để tránh những sự hiểu lầm và tính toán sai lầm”.
Theo: Usnews, Bloomberg