Các quan chức Hoa Kỳ muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với Myanmar, quốc gia được một số người xem là ‘biên giới cuối cùng’ vì đây là một trong những thị trường cuối cùng phần lớn chưa được các công ty phương Tây chạm tới.
Myanmar bị Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt kinh tế nặng nề vào năm 1997 vì sự đàn áp của phe quân sự cầm quyền đối với phe dân chủ đối lập. Trong những năm gần đây, Washington đã dỡ bỏ bớt nhiều chế tài sau các cải cách dân chủ của Myanmar.
Cùng với việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt tài chính công bố hồi tháng năm, Washington nhìn thấy tiềm năng kinh tế lớn lao tại quốc gia lớn nhất khu vực Đông Nam Á này. Myanmar giàu tài nguyên thiên nhiên và đất đai canh tác nhưng, theo Ngân hàng Thế giới, hiện chỉ có một phần ba dân số được tiếp cận với lưới điện quốc gia.
“Cuộc bầu cử của bà Aung San Suu Kyi, và việc nới lỏng gần như 80% các biện pháp chế tài mang đến cơ hội mới để mở ra một kỷ nguyên mới với các doanh nghiệp Mỹ và sự kết nối với Hoa Kỳ”, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Kinh tế và Kinh doanh, Charles Rivkin, nói với đài VOA trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Rivkin đang dẫn đầu một phái đoàn thương mại trên đường tới Myanmar để tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế giữa hai nước vào tuần tới.
Trong số các công ty cao cấp tham gia phái đoàn có IBM, GE, GM, Chevrolet, Deloitte và Coca Cola.
Phái đoàn thương mại do Bộ Ngoại giao dẫn đầu sang Myanmar sau thông báo của Hoa Kỳ hồi tháng rồi cam kết 21 triệu đô la hỗ trợ Myanmar gầy dựng năng lực lâu dài.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, Ben Rhodes, người đã đến thăm Myanmar vào tháng 7, cho biết gói hỗ trợ mới này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Myanmar với mục tiêu tăng gấp ba lần kim ngạch xuất khẩu trong năm năm, và giúp hiện đại hóa ngành nông nghiệp vốn sẽ là đầu tàu tạo công ăn việc làm trong 10 năm tới.
Việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ giúp Myanmar hỗ trợ cải cách chính trị và tăng trưởng kinh tế, và tạo thuận lợi cho giao thương giữa Hoa Kỳ với Myanmar, hay còn được gọi là Miến Điện.