Số liệu mới được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố vào cuối tháng 4/2023 cho thấy trong 4 tháng đầu tiên của năm, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ đô la.
Trong cùng giai đoạn, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ ước đạt 24,4 tỷ đô la, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước, vẫn theo Tổng cục Thống kê. Số liệu cũng thể hiện rằng xuất siêu của Việt Nam sang EU đạt 9,3 tỷ đô la, giảm 12,7%.
Ngược lại với Mỹ, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,3 tỷ đô la trong 4 tháng đầu năm. Trừ đi giá trị hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 16,8 tỷ đô la, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc 8,9 tỷ đô la, giảm 36,9%; nhập siêu từ ASEAN 2,3 tỷ đô la, giảm 53%.
Về diễn biến nêu trên, Tổng cục Thống kê đưa ra nhận xét rằng chủ yếu là do kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm. “Điều này ảnh hưởng đến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam”, theo Tổng cục.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 210,79 tỷ đô la, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước chỉ đạt 53,57 tỷ đô la.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ước tính xuất siêu 6,35 tỷ đô la, trong đó, riêng tháng 4 xuất siêu 1,51 tỷ đô la.
Máy vi tính, điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với giá trị lên đến 4,1 tỷ đô la. Đứng thứ 2 là điện thoại và linh kiện, đạt 4 tỷ đô la; tiếp đến là máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 3,2 tỷ đô la; hàng dệt may đạt 2,4 tỷ đô la; giày dép đạt 1,8 tỷ đô la; phương tiện vận tải phụ tùng đạt 1,2 tỷ đô la; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ đô la.
Diễn đàn