Các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân quyền trên toàn nước Mỹ hôm nay tổ chức thắp nến cầu nguyện vào lúc người dân Mỹ đau buồn tưởng nhớ đến 9 người đàn ông và phụ nữ da đen bị bắn chết tại Nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal (AME) ở Charleston, bang South Carolina.
Tại thành phố New York, các hội thánh tập họp tại một trong những nhà thờ AME lớn nhất nước Mỹ trong buổi cầu nguyện buổi sáng, tiếp theo là một cuộc tuần hành và tập họp. Dự trù có hơn 3.000 người có mặt tại cuộc tập họp, nơi các nhà lãnh đạo các hội thánh và Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đọc diễn văn.
Tại Detroit, chi nhánh địa phương của Mạng lưới Hành động Toàn quốc của Mục sư Al Sharpton tổ chức một buổi tập họp liên tôn để đáp ứng với vụ nổ súng tại Charleston.
Một buổi cầu nguyện gồm các chủng tộc khác nhau cũng sẽ được tổ chức tại Atlanta, một thành phố chính của phong trào dân quyền Hoa Kỳ.
Nghi can trong vụ bắn giết này là Dylann Roof, 21 tuổi, một thanh niên da trắng mới đây đã có những quan điểm kỳ thị chủng tộc, đang bị giam tại nhà tù Quận Charleston.
Roof đã bị buộc chín tội danh sát nhân và một tội sở hữu súng bất hợp pháp. Một thẩm phán tại Charleston đã ấn định tiền xin tại ngoại hầu tra là một triệu đô la đối với tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp nhưng nói thêm là nghi can không được quyền xin tại ngoại đối với 9 tội danh giết người.
Được biết Roof nói với các nhà điều tra là anh ta chọn Nhà thờ Emanuel AME để bắn giết vì đây là một nhà thờ “lịch sử của người Mỹ gốc châu Phi.” Kênh truyền hình CNN cho biết nghi can đang bị biệt giam và bị canh chừng tự tử.
Xúc cảm tràn đầy phòng xử án Charleston hôm thứ Sáu khi thân nhân của chín nạn nhân nói với Roof trong phiên xin tại ngoại hầu tra của nghi can.
Với giọng đầy đau đớn con gái của bà Ethel Lance 70 tuổi nói “Anh đã lấy mất những gì quý báu nhất của tôi. Tôi không bao giờ được nói chuyện với mẹ tôi nữa. Tôi không bao giờ được ôm bà nữa. Nhưng tôi tha thứ cho anh. Và xin Chúa thương xót cho linh hồn anh.” Bà Ethel Lance là người trông nom nhà thờ Emanuel.
Roof được nhìn thấy trong video đứng bất động trong một căn phòng với hai nhân viên thi hành công lực đứng hai bên. Nghi can thỉnh thoảng nhìn xuống.
Nạn nhân của vụ bắn giết này gồm có 6 phụ nữ và 3 người đàn ông kể cả một phụ nữ 87 tuổi. Ba người khác bị thương.
Bà Felicia Sanders, mẹ của cô Tywanza Sanders, 26 tuổi, nạn nhân trẻ nhất trong vụ nổ súng này nói: “Chúng tôi mở rộng vòng tay đón chào anh vào lớp học Kinh tháng tối thứ Tư của chúng tôi. Anh đã giết một số người tốt nhất mà tôi biết. Toàn thân tôi đều đau đớn.”
Một thân nhân của một trong các nạn nhân cho biết Roof nói với nhóm học Kinh thánh là “Các người đã hãm hiếp phụ nữ chúng tôi và kiểm soát đất nước này. Tôi phải làm những gì tôi phải làm.”
Kỳ thị chủng tộc
Roof bị bắt tại tiểu bang North Carolina kế cận hôm thứ Năm khi lái xe chạy trốn. Roof sẽ ra tòa lần nữa vào tháng 10 tới.
Ngày thứ Sáu nhà cầm quyền liên bang cho biết đang điều tra vụ giết hại này như là một hành vi khủng bố trong nước, cũng như là tội hận thù chủng tộc “từ mọi khía cạnh.”
Phát biểu tại một Hội nghị các Thị trưởng Mỹ tại San Francisco ngày thứ Sáu, Tổng thống Obama lần đầu tiên đề cập đến sự quan hệ chủng tộc trong vụ nổ súng này.
Ông nói: “Động cơ rõ ràng của tay súng nhắc nhở chúng ta là kỳ thị chủng tộc vẫn còn là một tai họa mà chúng ta phải chiến đấu chống lại.”
Tổng thống Obama nói ông không muốn chấp nhận là việc nổ súng giết người hàng loại là “chuyện bình thường mới” tại nước Mỹ, nhưng ông nghi ngờ về việc quốc hội sẽ tiến đến việc thay đổi những đạo luật về súng vì ảnh hưởng mạnh mẽ của Hiệp hội Súng Quốc gia đối với các nhà lập pháp.
Tổng thống Obama kêu gọi thay đổi thái độ. Ông nói “Chúng ta cần phải thảo luận về việc này và chỉnh sửa lại.” Tổng thống nói tiếp là “chỉ bày tỏ cảm tình không thôi” không đủ.
Một buổi cầu nguyện cộng đồng vào ngày thứ Sáu được tổ chức tại một sân vận động gần nhà thờ nơi vụ nổ súng xảy ra.
Một khu tưởng niệm các nạn nhân được tạm thời thiết lập bên ngoài nhà thờ Mother Emanuel, là tên gọi thân thiết của nhà thờ được mọi người tôn xưng. Nhiều người mang hoa, bong bóng và những khẩu hiệu để tưởng nhớ các nạn nhân.
Bà Marlene Coakley Jenkins, chị của nạn nhân Myra Thompson, người hướng dẫn học Kinh tháng trong đêm nổ súng nói với Đài VOA: “Thông điệp của chúng tôi gởi cho cộng đồng của chúng ta, toàn thể cộng đồng của chúng ta là chúng tôi biết ơn tất cả sự yêu thương và hỗ trợ, nhưng thành thật mà nói chúng tôi không kỳ vọng ít hơn vì mọi người ở đây như khí hậu, họ đều nồng nhiệt, chăm sóc đến người khác và giàu lòng yêu thương.”
Vụ nổ súng này đánh dấu một trong những vụ tấn công khét tiếng nhất vào một nhà thờ của người da đen ở miền Nam kể từ vụ đánh bom năm 1963 vào một Nhà thờ Báp-tít đường 16 tại thành phố Birmingham, bang Alabama làm 6 em gái thiệt mạng và giúp củng cố phong trào dân quyền tại Mỹ. Vụ đánh bom này có liên hệ đến tổ chức Ku Klux Klan.
Hội thánh Emanuel AME được thành lập vào năm 1816 sau khi tách rời khỏi hội thánh Methodist Episcopal của người da trắng khiến cho hội thánh này trở thành một trong những hội thánh lâu đời nhất của người Mỹ gốc châu Phi tại miền nam nước Mỹ.