Đặc sứ Hoa Kỳ tại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Bắc Triều Tiên sẽ họp trong tuần này với các giới chức ở Nam Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản để thảo luận việc tái khởi động các cuộc thương nghị đã bị khựng lại lâu nay với Bình Nhưỡng nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của họ. Đây là chuyến thăm ngoại giao cấp cao đầu tiên đến khu vực này kể từ khi thỏa thuận hạt nhân với Iran được thông báo. Từ Seoul, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật do Hoàng Long trình bày:
Tại Seoul hôm nay, ông Sydney Seiler, đặc sứ Hoa Kỳ đặc trách các cuộc đàm phán 6 bên, cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng thương nghị một thỏa thuận với Bình Nhưỡng như họ vừa làm việc với Iran nhằm hạn chế các khả năng hạt nhân của họ để đổi lấy việc nới lỏng chế tài.
Ông Seiler cho biết: “Tiến bộ mới đây trong nỗ lực của chúng ta nhằm phi hạt nhân hóa với Iran đem lại một tấm gương tuyệt hảo về sự uyển chuyển và thiện chí của Hoa Kỳ muốn giao tiếp với những nước mà chúng ta đã có những bất đồng lâu dài.”
Một số giới chức trong vùng đã bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận với Iran có thể có hiệu lực như một tác nhân kích thích việc khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân với Bắc Triều Tiên đã bị đình chỉ vào năm 2009.
Chế độ của ông Kim Jong Un cho đến nay vẫn bác bỏ các đề xuất giao tiếp trong đối thoại và đã nhấn mạnh rằng chương trình vũ khí hạt nhân của nước này là cấp thiết cho an ninh quốc gia của họ.
Mặc dầu bị tác động bởi các biện pháp chế tài gay gắt của quốc tế, Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển các khả năng vũ khí tấn công của họ.
Mới đây, đã có tin quân đội Bắc Triều Tiên đã dựng lên một bệ phóng để chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa.
Ông Nam Sung-wook, một giáo sư về nghiên cứu Bắc Triều Tiên của trường Đại học Triều Tiên nói có nhiều phần chắc Bình Nhưỡng sẽ không thỏa hiệp về tình trạng của họ trong tư thế một thế lực hạt nhân.
Ông nói ngay cả nếu như cộng đồng quốc tế áp đặt thêm các biện pháp chế tài, cũng chưa rõ liệu Bắc Triều Tiên có tham gia đàm phán và từ bỏ sức mạnh hạt nhân hay không.
Điều kiện kinh tế khá hơn của Bắc Triều Tiên nhờ các cải cách thị trường và gia tăng giao thương với Trung Quốc có thể đã khiến cho giới lãnh đạo ổn định hơn và bớt bị nao núng trước áp lực quốc tế đòi chế tài.
Các giới chức Hoa Kỳ nói Trung Quốc đang ngày càng lo ngại trước việc ông Kim Jong Un không muốn tham gia đàm phán. Nhưng chuyên gia phân tích về Bắc Triều Tiên Ahn Chan-il thuộc Trung tâm Thế giới Nghiên cứu Bắc Triều Tiên nói rằng Bắc Kinh không muốn tiến hành các biện pháp có thể gia tăng tình trạng mất ổn định.
Ông nói Trung Quốc đang hối thúc Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa, nhưng đã nối lại việc cung ứng dầu và chấp thuận một phần các chuyến thăm dành cho du khách.
Về phần mình, Washington tiếp tục yêu cầu Bình Nhưỡng có biện pháp ngưng chỉ việc phát triển hạt nhân trước khi mọi cuộc đàm phán mới có thể bắt đầu.