Hoa Kỳ sẽ đình chỉ việc tuân thủ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với Nga vào thứ Bảy, 2/2, và chính thức rút khỏi sau 6 tháng, nếu Moscow không chấm dứt việc vi phạm hiệp ước như đã bị cáo buộc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo hôm thứ Sáu, 1/2.
Hoa Kỳ sẽ xem xét lại việc rút khỏi hiệp ước nếu Nga tuân thủ hiệp ước vốn cấm hai bên triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung đặt trên mặt đất ở châu Âu.
Nga đã phủ nhận chuyện vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt đạt được hồi năm 1987.
Ông Pomp Pompeo nói với các phóng viên tại Bộ Ngoại giao Mỹ rằng: “Nga đã từ chối thực hiện các bước để tuân thủ trở lại một cách thực sự và có thể kiểm chứng được. Chúng tôi sẽ gửi cho Nga và các bên tham gia hiệp ước khác lời thông báo chính thức rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp ước gọi tắt là INF, có hiệu lực sau 6 tháng”.
Nếu Nga không tuân thủ hiệp ước trở lại một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng được trong thời hạn 6 tháng bằng cách phá hủy một cách có thể xác minh được các tên lửa, bệ phóng và thiết bị đi kèm là những cái vi phạm INF, hiệp ước sẽ chấm dứt”, theo lời ông Pompeo.
Hoa Kỳ cáo buộc một loại tên lửa hành trình mới của Nga vi phạm hiệp ước. Tên lửa đó là Novator 9M729, được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là SSC-8.
Nga nói rằng do tầm bắn của tên lửa nên nó nằm ngoài hiệp ước và cáo buộc Hoa Kỳ bịa ra cớ để rút khỏi hiệp ước mà đằng nào Mỹ cũng muốn từ bỏ để có thể phát triển tên lửa mới. Nga cũng đã từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ về việc phá hủy loại tên lửa mới.
Phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên hôm 1/2 rằng Hoa Kỳ đã không sẵn lòng thảo luận về vấn đề này.
Một vài giờ trước khi có thông báo của ông Pompeo, một tuyên bố của NATO cho biết khối liên minh này sẽ ủng hộ hoàn toàn thông báo của Mỹ về việc rút khỏi hiệp ước.