Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Mỹ nói cách duy nhất để chấm dứt những vụ chặt đầu rùng rợn của Nhà nước Hồi Giáo là làm sụt giảm khả năng và tiêu diệt các phần tử hiếu chiến này. Theo tường thuật của thông tín viên Đài VOA Victor Beattie, vụ chặt đầu mới nhất một nhà báo người Nhật do Nhà nước Hồi Giáo thực hiện đã làm dấy lên cuộc tranh luận mới ở nước Nhật về khả năng tự vệ của quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ ba thế giới này.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một thành viên của Ủy ban Quân Vụ Thượng viện, ngày Chủ Nhật nói trên chương trình Face the Nation của đài CBS là Tổng thống Obama có mục tiêu đúng, nhưng chiến lược sai để đánh bại Nhà nước Hồi Giáo.
“Một chiến dịch không kích sẽ không hủy diệt ISIL. Cần phải có binh sĩ tác chiến trên bộ, không những tại Iraq mà còn tại Syria, và cũng phải có một lực lượng khu vực, trong đó khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ chiến đấu chung với quân đội của các nước Ả Rập trong vùng và tiến vào Syria để chiếm lại các phần đất bị mất vào tay ISIL.”
Syria và Iraq
Thượng nghị sĩ Graham nói Syria và Iraq là vùng đất tốt nhất để Nhà nước Hồi Giáo phát động những cuộc tấn công khủng bố mới nhắm vào các mục tiêu Tây phương mà ông đã thấy kể từ cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 vào nước Mỹ.
Việc Nhà nước Hồi Giáo chặt đầu nhà báo Nhật Kenji Goto, 47 tuổi, được loan báo trong một video phổ biến ngày thứ Bảy, đã bị quốc tế lên án. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày Chủ Nhật gọi việc hành hình này là ‘ghê tởm và hèn nhát’ và nói rằng thủ phạm ‘phải chịu trách nhiệm.’ Tổng thống Barack Obama lên án điều ông gọi là một ‘hành động man rợ’ và thề “tiếp tục có những hành động quyết liệt để làm suy sụp và cuối cùng hủy diệt’ Nhà nước Hồi Giáo.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày Chủ Nhật nói ông ‘cảm thấy phẫn nộ' về vụ chặt đầu ông Goto cũng như ông Haruna Yukawa một tuần trước đây. Ngày hôm nay, ông Abe thề sẽ không nhượng bộ trước các phần tử khủng bố và sẽ gia tăng viện trợ nhân đạo của Nhật Bản cho Trung Đông.
Thủ tướng Nhật Bản hối thúc các nhà lập pháp đảm bảo an toàn cho các công dân Nhật Bản bất kể họ ở nơi nào. Ông cũng nói chính phủ không nên hạn chế việc điều động các lực lượng phòng vệ của Nhật Bản để bảo vệ các nước đồng minh trong các hoạt động phòng thủ chung.
Nhà phân tích Michael Cucek của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế MIT có trụ sở tại Tokyo nói chính phủ của Thủ tướng Abe muốn thảo luận về việc giảm bớt những hạn chế của các nhiệm vụ tiếp cứu quân sự trong trường hợp người Nhật gặp nguy hiểm.
Nhà Báo Anh Hùng
“Nhật Bản nghĩ rằng họ cần có những lực lượng có thể giữ vững được vị trí, dù đó là một phi trường hay là một bến cảng, cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản đưa các thường dân Nhật Bản ra khỏi các vùng nguy hiểm.”
Tuy nhiên ông Cucek nói những cuộc thăm dò cho thấy công chúng Nhật Bản không muốn bất cứ sự thay đổi lớn nào đối với bản hiến pháp chủ hòa của Nhật sau thế chiến thứ hai. Ông nói công luận Nhật Bản cũng xem ông Goto là một nhà báo anh hùng.
“Ông Goto tường trình về các trẻ em tại những nơi có chiến tranh, về người tị nạn. Ông thực sự đi vào các nơi rất nguy hiểm. Ông là một người rất can đảm, một người đã cố gắng tường trình tại chỗ về những gì xảy ra trên thế giới. Và đối với nhiều người Nhật, trước đây họ không biết ông nhưng hiện giờ mọi người đều biết ông và mọi người ai nấy đều rất đau buồn trước cái chết của ông.”
Cũng xuất hiện trên chương trình CBS Face the Nation ngày Chủ Nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Nasser Judeh nói chính phủ ông không biết số phận của phi công Jordan Muath al-Kaseasbeh bị Nhà nước Hồi Giáo doạ giết. Ông nói Amman đã nhắc lại lời hứa thả bà Sajida al-Rishawi một nữ tù nhân Iraq bị kết án tử hình tại Jordan.
“Chúng tôi đã tuyên bố công khai là nếu có bằng chứng viên phi công còn sống và nếu ông ấy được trả tự do, chúng tôi sẽ trả tự do cho phụ nữ này. Tuy nhiên, như tôi đã nói, chúng tôi không thấy có bằng chứng viên phi công còn sống, một bằng chứng mà chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu.”
Phi công Muath al-Kaseasbeh bị bắt vào tháng 12 năm ngoái, sau khi máy bay của ông bị rớt tại vùng do Nhà nước Hồi Giáo kiểm soát ở Syria.