Đường dẫn truy cập

Mỹ nói không có dấu hiệu Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân


Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hoa Kỳ không thấy có dấu hiệu Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh cáo hạt nhân, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết ngày 4/10.

Ông Putin đã leo thang cuộc chiến kéo dài 7 tháng ở Ukraine với việc huy động quân và cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân.

Phát ngôn nhân Jean-Pierre nói Mỹ nghiêm túc cân nhắc cảnh báo hạt nhân nhưng chưa thấy có lý do gì để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của riêng mình, cũng như không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong ngày 4/10, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thông báo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy rằng Washington sẽ cung cấp cho Kyiv thêm 625 triệu đô la hỗ trợ an ninh, bao gồm các bệ phóng của Hệ thống Pháo binh Rốc-két Cơ động Cao (HIMARS), Tòa Bạch Ốc cho hay.

Trong cuộc điện đàm giữa ông Biden với ông Zenlenskyy cũng có sự tham dự của Phó Tổng thống Kamala Harris, Tòa Bạch Ốc cho biết. Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng Washington sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống Biden “cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong lúc nước này tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga trong thời gian cần thiết”, vẫn theo Tòa Bạch Ốc.

Cùng ngày 4/10, Tổng thống Ukraine đã ký sắc lệnh chính thức tuyên bố không thể có triển vọng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng mở ngỏ khả năng về các cuộc đàm phán với Nga.

Sắc lệnh này đã chính thức hóa các phát biểu của ông Zelenskyy đưa ra hôm 30/9 sau khi ông Putin tuyên bố bốn khu vực chiếm đóng của Ukraine là một phần của Nga, điều mà Kyiv và phương Tây cho là một trò hề phi pháp.

“Ông ấy (Putin) không biết phẩm giá và sự trung thực là gì. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng với một tổng thống khác của Nga”.

Ông Putin, người vừa tròn 70 tuổi vào tuần này, đã thống trị cục diện chính trị của Nga trong hơn hai thập kỷ và có thể ra tranh cử thêm hai lần nữa theo những cải cách hiến pháp mà ông dàn dựng. Ông có khả năng sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2036.

Các lực lượng Ukraine đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga ở phía nam và mở rộng một cuộc tấn công nhanh chóng ở phía đông, giành lại lãnh thổ tại các khu vực Nga muốn sáp nhập.

Điện Kremlin ngày 4/10 nói rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ ở Ukraine sẽ không kết thúc nếu Kyiv từ chối các cuộc đàm phán, nói thêm rằng “cần có hai bên để đàm phán.”

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ đợi tổng thống đương nhiệm thay đổi lập trường của mình hoặc chờ tổng thống tiếp theo thay đổi quan điểm của mình vì lợi ích của người dân Ukraine.”

Trong một thông tin khác liên quan tới Nga, Nhật Bản yêu cầu một lãnh sự Nga ở Sapporo rời khỏi Nhật trước ngày 10/10, trả đũa việc Nga trục xuất một lãnh sự Nhật ở Vladivostok vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Nhật cho biết ngày 4/10.

Quyết định của Nhật được đưa ra sau khi cơ quan an ninh FSB của Nga vào tháng 9 cho biết họ đã bắt giữ lãnh sự Nhật Bản vì nghi ngờ hoạt động gián điệp và yêu cầu ông này rời khỏi Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật, Takeo Mori, ngày 4/10 đã triệu tập đại sứ Nga Mikhail Galuzin và thông báo cho ông về quyết định của Nhật Bản. Nước này cũng tuyên bố lãnh sự Nga tại Sapporo là “người không được hoan nghênh” và yêu cầu ông ấy phải rời khỏi Nhật trong vòng sáu ngày.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG