Mỹ cần “tăng cường cuộc chơi” trong giao tiếp kinh tế với châu Á, điều phối viên của Tòa Bạch Ốc phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, kêu gọi ngày 6/1 và cho rằng phương án này là yếu tố xác định chính sách của Mỹ tại khu vực trong năm.
Ông Campbell, tại một hội thảo trực tuyến của Tổ chức Carnegie vì Hoà bình Quốc tế, nói Tổng thống Joe Biden đã chỉ rõ Mỹ cần khởi xướng trong việc thành hình giao tiếp kinh tế và thương mại cũng như những tập tục buôn bán ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dường trong lúc ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng.
“Đây là một khu vực mà nước Mỹ cần tăng cường cuộc chơi,” ông Campbell nhấn mạnh và cho biết thêm là vai trò của Mỹ phải đi xa hơn là thương mại truyền thống và bao gồm giao dịch kỹ thuật số và thiết lập tiêu chuẩn công nghệ.
“Chúng ta phải thể hiện rõ là không chỉ chúng ta giao tiếp sâu rộng về ngoại giao, quân sự, toàn diện và chiến lược- mà chúng ta còn có một phương thức tương tác thương mại, đầu tư rộng mở, hết lòng, và lạc quan ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông Campbell nói.
“Tôi nghĩ là bên trong chính quyền Biden, chúng ta hiểu rõ là năm 2022 sẽ xoay quanh những giao tiếp này một cách toàn diện trên khắp khu vực,” vẫn theo lời ông.
Quan hệ Mỹ-Trung đã xuống đến mức thấp nhất trong nhiều thập niên trong lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm kiếm những quan hệ đòn bẩy với các đồng minh và đối tác để chống lại điều mà Washington xem là sự ức hiếp kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Chính quyền của ông Biden đã quảng bá Hiệp định AUKUS, theo đó Mỹ và Anh đồng ý giúp Úc có được các tàu ngầm hạt nhân. Chính quyền Biden cũng quảng bá các thượng đỉnh cấp lãnh đạo giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản như những bằng chứng cho thấy các đối tác của Mỹ đang làm Trung Quốc “khó tiêu.”
Một số nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phần lớn là những nước xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, than phiền về điều mà họ cho là thiếu giao tiếp kinh tế của Mỹ, đặc biệt sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Biden nói với các lãnh đạo châu Á rằng Washington sẽ mở các cuộc thảo luận về việc thành lập một khung làm việc kinh tế vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng tới nay chưa thấy xuất hiện các chi tiết cụ thể và chính quyền Mỹ cũng tránh các động thái tiến tới việc tái gia nhập các thỏa thuận thương mại mà giới chỉ trích cho là đe dọa việc làm của dân Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc tìm cách gia nhập CPTPP, và một hiệp định thương mại khu vực gồm 15 nước mà Bắc Kinh hậu thuẫn nhưng không có Washington, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vốn có hiệu lực vào ngày 1/1 đối với hầu hết các nước.
Trong khi các tương tác Mỹ-Trung càng ngày càng được định nghĩa là cạnh tranh, Mỹ không tìm cách “chế ngự,” ông Campbell nói.
“Tôi tin là chung cuộc điều mà Mỹ tìm kiếm là một kiểu cùng tồn tại với Trung Quốc, với sự hiểu biết về vai trò thiết yếu và quan trọng của Trung Quốc.”
Tuy nhiên ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đạo trên sân khấu thế giới và Bắc Kinh sẽ “phạm sai lầm nếu tìm cách loại chúng ta ra ngoài.”