Đường dẫn truy cập

Mỹ lo ngại về việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Vienna, ngày 30/6/2015. Việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Syria đang gây lo ngại cho các giới chức quốc phòng Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Vienna, ngày 30/6/2015. Việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Syria đang gây lo ngại cho các giới chức quốc phòng Mỹ.

Nga đang ráo riết tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria, gây lo ngại cho các giới chức quốc phòng và tình báo Mỹ. Theo tường thuật của thông tín viên Jeff Seldin của đài VOA tại Ngũ Giác Đài, các giới chức ở Washington nói rằng họ cảm thấy lo ngại vì ý đồ của Nga không rõ ràng.

Các giới chức quốc phòng và tình báo Hoa Kỳ tiếp tục có thái độ dè dặt đối với đề nghị tiến hành các cuộc thảo luận giữa quân đội với quân đội mà Nga đã nhiều lần đưa ra trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, những hành động của Nga ở Syria đang làm cho một số giới chức ở Washington thừa nhận là tình hình Syria khó lòng cải thiện nếu không để cho Moscow nắm giữ một vai trò lớn hơn.

Một giới chức quốc phòng không muốn nêu danh tánh nói với đài VOA: “Nga sẽ là một phần của cuộc thảo luận vì họ đang làm cho họ trở thành một phần của cuộc thảo luận”. Giới chức này nói thêm rằng: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại và Nga sẽ tự định đoạt vấn đề có nói cho chúng tôi biết họ đang làm gì hay không.”

Các giới chức Mỹ cho biết sự tăng cường của Nga tại một căn cứ không quân ở Latakia, dọc theo vùng duyên hải còn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad, là có tính chất phòng vệ. Nhưng họ cảnh báo rằng tư thế đó có thể thay đổi một cách nhanh chóng.

Các giới chức này nói rằng mỗi ngày có hai chiếc Condor, một loại vận tải cơ hạng nặng của Nga, chở tiếp liệu tới Latakia. Những tàu chở hàng của Nga cũng cập bến Syria với nhiều trang thiết bị quân sự. Một giới chức Ngũ Giác Đài cho biết trong số những khí tài mới được chở tới có hai chiếc trực thăng tấn công loại Mi-24, hai chiếc trực thăng vận tải Mi-15 và 6 chiếc xe tăng.

Nga cũng phái thêm binh sĩ sau khi điều động 200 binh sĩ hải quân tới Syria hồi tuần trước. Ngoài ra, Moscow còn đưa thêm tới Syria các căn nhà tiền chế, đủ để làm nơi cư ngụ cho khoảng 2.000 binh sĩ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề cập tới khả năng tiến hành các cuộc thảo luận Nga - Mỹ trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hồi tuần trước.

Hôm qua, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng mục tiêu của Moscow là rất rõ ràng. “Chúng tôi đang tìm cách ngăn chận một thảm họa to lớn trong khu vực” và “Bất cứ khi nào phía Mỹ bày tỏ ý muốn thảo luận về sự hợp tác quân sự và kỹ thuật của chúng tôi với Syria, chúng tôi sẵn sàng làm điều đó”, bà Zakharova nói.

Hoa Kỳ đã ngưng chỉ các chương trình hợp tác quân sự với Moscow sau khi các lực lượng Nga tiến vào bán đảo Crimea và miền đông Ukraine.
Hoa Kỳ đã ngưng chỉ các chương trình hợp tác quân sự với Moscow sau khi các lực lượng Nga tiến vào bán đảo Crimea và miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, các giới chức Mỹ không hoàn toàn tin tưởng vào tuyên bố của Nga. Họ nói rằng đàng sau những tuyên bố công khai, các giới chức Nga không chịu nói rõ mục tiêu của việc tăng cường sức mạnh quân sự ở Syria mà cũng không cho biết họ hy vọng Hoa Kỳ sẽ hợp tác với họ như thế nào.

Cuộc thảo luận giữa quân đội và quân đội, nếu được tiến hành, sẽ là cuộc thảo luận đầu tiên với Nga kể từ khi ông Ashton Carter lên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và cũng là cuộc thảo luận đầu tiên kể từ khi Hoa Kỳ ngưng chỉ các chương trình hợp tác quân sự với Moscow sau khi các lực lượng Nga tiến vào bán đảo Crimea và miền đông Ukraine.

Hôm thứ Năm, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Peter Cook nói với báo chí rằng: “Chúng tôi có biết ý muốn của Nga” và “Bộ trưởng Carter đang tham khảo ý kiến với các đồng sự của ông trong toán an ninh quốc gia về cách thức tốt nhất để tiến tới”.

Cũng trong ngày thứ Năm, Tòa Bạch Ốc để ngỏ khả năng thực hiện những cuộc thảo luận mà họ gọi là “những cuộc thảo luận chiến thuật, thực tế” với Nga, với điều kiện Nga tập trung vào việc chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói: “Chúng tôi sẽ cảnh báo họ chớ dồn hết tiền cược vào việc ủng hộ chế độ Assad”.

Tuy nhiên, Nga có thể không nghĩ như vậy và họ cho rằng một sự gia tăng đáng kể trong việc hỗ trợ cho ông Assad sẽ giữ cho chế độ đại lý của họ ở Syria và ảnh hưởng của họ trong khu vực được nguyên vẹn.

Ông Christopher Harmer, một nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, nói “Điều này mang lại cho chế độ Assad một màu sắc ổn định và thậm chí là một sự trường cửu mà trước đây họ không có”.

Ông Harmer cho rằng những vũ khí mới và những chương trình huấn luyện cộng với sự khích lệ về mặt tâm lý mà sự hiện diện của Nga mang lại cho các lực lượng của ông Assad chẳng những có thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường mà còn làm thay đổi tình thế chính trị ở Syria. Ông nói: “Trên cơ bản, việc này bảo đảm là trong tương lai có thể nhìn thấy được sẽ không có một giải pháp chính trị trong đó ông Assad phải rời khỏi Syria”.

XS
SM
MD
LG