Đường dẫn truy cập

Mỹ: Lạm phát tiêu dùng cao nhất trong gần 4 thập niên


Bảng giá xăng tại một trạm xăng ở thành phố Philadelphia, ngày 17 tháng 11, 2021.
Bảng giá xăng tại một trạm xăng ở thành phố Philadelphia, ngày 17 tháng 11, 2021.

Giá cả tiêu dùng ở Mỹ tăng 6,8% trong tháng 11 so với một năm trước đó do chi phí thực phẩm, năng lượng, nhà ở, ô tô và quần áo tăng cao khiến người Mỹ chịu đựng tỉ lệ lạm phát hàng năm cao nhất trong 39 năm qua.

Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Sáu cũng báo cáo rằng giá cả tăng 0,8% từ tháng 10 đến tháng 11 — một mức tăng đáng kể, dù có nhẹ hơn so với mức 0,9% từ tháng 9 đến tháng 10.

Lạm phát đang đè nặng lên người tiêu dùng, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp và đối với các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, theo AP. Lam phát cũng làm xói mòn mức lương cao hơn mà nhiều người lao động nhận được, làm phức tạp kế hoạch giảm hỗ trợ cho nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed).

Thúc đẩy lạm phát là một loạt những yếu tố bắt nguồn từ sự phục hồi nhanh chóng từ suy thoái do đại dịch: Chính phủ ồ ạt bơm tiền kích thích kinh tế, lãi suất cực thấp do Fed ấn định và tình trạng thiếu nguồn cung tại các công xưởng. Sản xuất đã trì chậm do nhu cầu của khách hàng cao hơn dự kiến, do các cơ sở đóng cửa liên quan đến COVID và do các hải cảng và bãi vận chuyển hàng hóa bị ùn ứ.

Chủ thuê mướn lao động, vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu nhân công, cũng đã tăng lương, và nhiều người đã tăng giá để bù đắp chi phí lao động cao hơn, do đó làm tăng thêm lạm phát.

Kết quả là giá cả các mặt hàng từ thực phẩm và xe đã qua sử dụng cho đến đồ điện tử, đồ gia dụng và xe hơi cho thuê đều tăng. Giá trung bình của một chiếc xe đã qua sử dụng đã tăng vọt gần 28% từ tháng 11 năm 2020 tới tháng trước — lên mức kỷ lục 29.011 đô la, theo dữ liệu do Edmunds.com tổng hợp.

Ông Đỗ Nguyễn Quốc Vinh, ở gần thành phố Minneapolis thuộc bang Minnesota, cho biết giá cả xe đã qua sử dụng ở nơi ông sinh sống tăng cao đến mức người bán có thể hưởng lời. Ông nói bản thân ông là một ví dụ.

“Chiếc BMW đời 650 tôi mua cách đây ba năm rồi, chạy hết khoảng chừng 7.000 dặm thôi, nhưng mà lúc đem bán thì lời được 3.000 mấy [đôla],” ông nói. “Mình thấy rõ ràng là nhiều người đang rất muốn xài tiền, người ta không ngại xài tiền, nhưng mà hàng thì không có để bán.”

Ông Vinh, làm quản lý trong bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty bán hàng điện tử Best Buy và đồng thời cũng sở hữu một tiệm bán rượu bia, nói vấn đề nằm ở chuỗi cung ứng.

“Ở Best Buy, mấy cái [bộ điều khiển trò chơi điện tử] PS5 mới nhất bây giờ hết hàng mà chờ hoài không thấy. iPhone 13 bây giờ đặt mua 10 ngày mới có mà danh sách đặt mua dài biết bao nhiêu người luôn. Quay về tiệm rượu, cũng có nhiều rượu cognac của Pháp người ta muốn mua quá trời mà cũng không có để bán,” ông cho biết.

Tình trạng tăng giá, bắt đầu sau khi đại dịch xảy ra, đã lan sang lĩnh vực dịch vụ, từ tiền thuê căn hộ, bữa ăn ở nhà hàng đến các dịch vụ y tế và giải trí, AP cho biết. Ngay cả một số nhà bán lẻ vốn xây dựng hoạt động kinh doanh dựa trên sự hấp dẫn của mức giá cực thấp cũng đã bắt đầu tăng giá.

Trong 12 tháng qua, chi phí mà một gia đình điển hình ở Mỹ phải trả đã tăng khoảng 4.000 đô la, theo tính toán của Jason Furman, nhà kinh tế học Đại học Harvard.

Ông La Minh Trí, chủ nhà hàng Kim Sơn ở Houston, Texas, nói nhà hàng của ông đang chật vật duy trì các món ăn trên thực đơn vì giá cả những loại thực phẩm căn bản như thịt gà, thịt bò “lên dữ lắm,” trong khi một số nguyên liệu chế biến thức ăn như dầu hào giờ đang thiếu hụt trầm trọng do hàng nhập khẩu bị ứ đọng ở các hải cảng.

“Mình cũng ráng chạy chỗ này, chạy chỗ kia. Thay vì hồi xưa mình mua số lượng lớn ở một chỗ thôi thì bây giờ mình phải mua số lượng rất là nhỏ ở nhiều chỗ. Mình phải gọi chỗ này chỗ kia vì chỗ này có một chút, chỗ kia có một chút. Hy vọng hết năm nay coi như thế nào chứ bây giờ mình cũng chỉ cố bám trụ,” ông nói.

Nhưng giá cả tăng và thiếu hụt hàng hóa không phải là vấn đề duy nhất. Thiếu hụt nhân công cũng là vấn đề đang khiến việc kinh doanh của ông thêm phần vất vả.

“Ở Houston mức lương tối thiểu là tám đồng mấy, mà bây giờ muốn kiếm tám đồng mấy chín đồng là không có, tối thiểu là 12 đồng mới có mà cũng rất là giới hạn,” ông cho biết. “Bây giờ lương mình phải tăng lên hơn 12 đồng rồi chấp nhận cho làm tăng ca để duy trì những nhân viên cũ. Phải vậy thì mới mở cửa được,” ông nói thêm.

Đối với người tiêu dùng Mỹ, mức tăng lạm phát 6,8% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 11 là mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ năm trước, kể từ mức tăng 7,1% trong năm kết thúc vào tháng 6 năm 1982.

Một số nhà kinh tế dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh trong những tháng tới và sau đó sẽ giảm dần và người tiêu dùng bớt căng thẳng, theo AP. Họ lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong một số lĩnh vực đã bắt đầu giảm dần. Và trong khi chi phí năng lượng cao hơn sẽ tiếp tục là gánh nặng cho người tiêu dùng trong những tháng tới, người Mỹ có thể sẽ không đối mặt với giá năng lượng cao kỉ lục trong mùa đông như những dự báo trước đó.

Bài viết sử dụng một số thông tin của AP.

VOA Express

XS
SM
MD
LG