Trung Quốc vừa cáo buộc Mỹ gia tăng các hành vi khiêu khích. Tại cuộc họp báo trực tuyến được tổ chức hôm 29 tháng 4, ông Ngô Khiêm, Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng bảo rằng, từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ đến nay, các hành vi khiêu khích bằng chiến hạm tăng 20% và các hành vi khiêu khích bằng thám sát cơ tăng 40%.
Ông Ngô Khiêm dẫn trường hợp khu trục hạm USS Mustin theo sát hàng không mẫu hạm (HKMH) Liêu Ninh và hải đội hộ tống HKMH này ở biển Đông như một ví dụ cho cáo buộc vừa kể. Theo Ngô Khiêm, đó là hành vi can thiệp nghiêm trọng vào hoạt động huấn luyện của Trung Quốc, đe dọa cả an toàn hàng hải lẫn an toàn cho nhân sự của hai bên.
Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã gửi kháng thư về trường hợp USS Mustin và khẳng định, việc Mỹ liên tục điều động các chiến hạm, thám sát cơ qua lại ở những vùng biển, vùng trời gần Trung Quốc là động thái quân sự hóa, đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực.
Trung Quốc vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm vụ va chạm giữa một chiến đấu cơ của hải quân Trung Quốc với một thám sát cơ của Mỹ ở gần đảo Hải Nam mà kết quả là phi công Trung Quốc thiệt mạng. Từ đó đến giờ, Trung Quốc gọi phi công đó là anh hùng, hy sinh cho việc bảo vệ tổ quốc. Mỹ thì chứng minh vụ va chạm đã xảy ra ở không phận quốc tế và phi công Trung Quốc tử nạn là do điều khiển chiến đấu cơ của ông ta liều lĩnh tới mức trở thành bất cẩn.
Trước nay, Trung Quốc không chỉ lên án sự hiện diện của Mỹ ở biển Đông – nơi mà Trung Quốc tuyên bố thuộc về Trung Quốc - mà còn chỉ trích việc các chiến hạm của Mỹ băng qua eo biển Đài Loan. Ông Ngô Khiêm giải thích, các chiến đấu cơ của Trung Quốc không xâm phạm không phận Đài Loan mà là giám sát phần lãnh thổ Trung Quốc thấy chưa cần dùng vũ lực để thu hồi, đồng thời nhắn Đài Loan rằng, những nỗ lực ngăn cản sự thống nhất của họ giống như… châu chấu đá xe!
Mới đây trong một cuộc trò chuyện với Britain’s Sky News ông Josheph Ngô, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, nhận định: Dường như Trung Quốc đang chuẩn bị cho bước cuối cùng – tấn công Đài Loan nhưng Đài Loan là quốc gia của chúng tôi và dân tộc chúng tôi sẽ kháng cự đến cùng để bảo vệ mình.
Khác với Đài Loan, bất kể hiện tình biển Đông, Việt Nam vừa tổ chức đón tiếp trọng thể Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Tướng Hòa đến Quảng Ninh - Việt Nam tham dự Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6, sau đó đi thẳng về Hà Nội gặp cả Tổng Bí thư đảng CSVN lẫn Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN trịnh trọng gọi ông Hòa là… “đồng chí”.
Tờ Nhân Dân chỉ tường thuật, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc… nhấn mạnh với… Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam rằng: Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt, có truyền thống lâu đời. Nhân dân hai nước vừa là đồng chí, vừa là anh em. Tình cảm đó khắc sâu trong lòng các thế hệ nhân dân hai nước và… cần được tiếp tục gìn giữ, phát huy (2) nhưng Tân Hoa Xã của Trung Quốc tiết lộ, ông Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ không bao giờ đi theo các nước khác để chống lại Trung Quốc (3)…
Với những gì đã cũng như đang xảy ra trên biển Đông và trong bối cảnh như hiện nay, một số người không tin Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam lại thay mặt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cam kết với Trung Quốc như Tân Hoa Xã đã loan báo. Tuy nhiên đến nay, chính quyền Việt Nam chưa có bất kỳ tuyên bố nào phản bác Tân Hoa Xã, bất kể phản bác ấy hết sức quan trọng cả về đối nội lẫn đối ngoại. Tân Hoa Xã có… bịa đặt hay không?
(Chú thích: Trong bài viết khác, đăng ngày 28 tháng Tư, VOA đặt câu hỏi với phía chính phủ Việt Nam, yêu cầu xác minh tính thực hư trong phát biểu được cho là của ông Nguyễn Xuân Phúc, phía Việt Nam không phản hồi. Trong khi đó, TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas) của Singapore khẳng định với VOA dựa theo nguồn tin ông có được từ những người có mặt trong sự kiện, rằng “Ông Nguyễn Xuân Phúc không bao giờ nói câu đấy.”)
Chú thích