Đường dẫn truy cập

Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản siết chặt quan hệ quân sự, kinh tế tại thượng đỉnh Camp David


Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp mặt Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trước một cuộc họp 3 bên tại Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima hồi tháng 5 vừa qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp mặt Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trước một cuộc họp 3 bên tại Thượng đỉnh G7 ở Hiroshima hồi tháng 5 vừa qua.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Camp David hôm 18/8, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự khi ba nước đồng minh này tìm cách thể hiện sự đoàn kết trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói trong một cuộc họp báo tại Camp David rằng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ công bố "các bước quan trọng" để tăng cường hợp tác an ninh ba bên, bao gồm cam kết tham vấn lẫn nhau trong thời kỳ khủng hoảng.

Ông Sullivan cho biết các bước này sẽ bao gồm một kế hoạch tập trận quân sự kéo dài nhiều năm, phối hợp và tích hợp sâu hơn về phòng thủ tên lửa đạn đạo và cải thiện việc chia sẻ thông tin, liên lạc trong khủng hoảng cũng như phối hợp chính sách "cùng với việc ứng phó với các tình huống bất ngờ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Theo ông Sullivan, ba nhà lãnh đạo cũng sẽ công bố các sáng kiến kinh tế và an ninh năng lượng mới bao gồm cơ chế cảnh báo sớm về sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Cam kết, nhưng chưa đến mức tạo ra một liên minh chính thức, sẽ là tâm điểm của cuộc gặp thượng đỉnh Camp David đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden dành cho các nhà lãnh đạo nước ngoài và cho thấy một động thái quan trọng đối với Seoul và Tokyo, vốn có lịch sử lâu dài về sự bất hòa và không tin tưởng lẫn nhau.

Ông Biden hôm 18/8 chào đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến nơi nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ trên sườn núi, nơi ba nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có vài giờ để vạch chiến lược về cách đối phó với những căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế nữa.

Hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ đưa ra một loạt tuyên bố chung, bao gồm các cam kết thiết lập đường dây nóng giải quyết khủng hoảng, hợp tác về các công nghệ mới nổi và gặp gỡ hàng năm.

Sự kiện này cũng mang tính biểu tượng: với sự khuyến khích của Washington, Tokyo và Seoul đang tìm cách giải quyết các mâu thuẫn trong quá khứ khi Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên trong những năm 1910-1945.

Những mối bất hòa đó là một trong những lý do khiến ba nhà lãnh đạo hiện không xem xét một hiệp ước phòng thủ chung bên cạnh những hiệp ước tương tự mà Mỹ đang có riêng với từng nước Hàn Quốc và Nhật Bản, các quan chức Mỹ giấu tên nói khi cung cấp thông tin trước về cuộc gặp thượng đỉnh.

Không có hành động cụ thể nào của ba nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn ở Camp David được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh đã cảnh báo rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản có thể "làm gia tăng căng thẳng và đối đầu trong khu vực".

Trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ muốn tránh khiêu khích Bắc Kinh, Trung Quốc tin rằng Washington đang cố gắng cô lập họ về mặt ngoại giao và bao vây họ về mặt quân sự.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết tại cuộc họp báo về cuộc gặp thượng đỉnh rằng Mỹ không "tập trung" vào việc gửi thông điệp tới Trung Quốc, nhưng hành vi của Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đã "tạo động lực" cho các đồng minh hợp tác với nhau.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG