Hôm thứ Tư 30/12, Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do cho một bác sĩ người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo. Người thân của bác sĩ này nói rằng bà bị kết án 20 năm tù tại Trung Quốc chỉ vì có người trong gia đình hoạt động ở Hoa Kỳ để thúc đẩy nhân quyền.
Trong cuộc họp với Ủy ban Quốc hội-Hành pháp Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC), một ủy ban lưỡng đảng, con gái của bác sĩ có tên là Gulshan Abbas nói rằng gia đình cô mới đây được biết mẹ cô nhận bản án vào tháng 3 năm ngoái với cáo buộc liên quan đến khủng bố sau khi bà bị mất tích vào tháng 9/2018.
Tại Bắc Kinh, hôm thứ Năm 31/12, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bà Abbas bị kết án vì các tội tham gia một tổ chức khủng bố, tiếp tay cho các hoạt động khủng bố và “tụ tập đông người để gây rối trật tự xã hội”.
“Chúng tôi kêu gọi một số chính trị gia ở Hoa Kỳ tôn trọng sự thật và hãy ngừng ngụy tạo và bôi nhọ Trung Quốc”, phát ngôn viên Vương Văn Bân (Wang Wenbin) nói trong một cuộc họp báo.
Trên Twitter, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuyên trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Robert Destro viết rằng bà Gulshan Abbas phải được trả tự do.
Ông bày tỏ ý kiến: “Việc bà bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đi biệt tích, giam giữ và kết án khắc nghiệt chính là bằng chứng cho thấy một gia đình phải gánh chịu hậu quả của việc lên tiếng chống lại một chính phủ không tôn trọng nhân quyền”.
Chủ tịch CECC, Dân biểu đảng Dân chủ James McGovern, gọi việc trừng phạt một người vô tội của một gia đình trong một nỗ lực nhằm dập tắt tiếng nói về tự do ngôn luận là điều “đáng bị chỉ trích về mặt đạo đức”.
Ông cho rằng đây mới chỉ là một phần của “cuộc đàn áp trên diện rộng” đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Liên quan đến cuộc đàn áp này, có tới 1,8 triệu người bị giam cầm trong các trại tập trung, trại lao động cưỡng bức, và bên cạnh đó còn có các hành vi ngược đãi khác.
Các chuyên gia và những người thúc đẩy cho nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho rằng ít nhất một triệu người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ từng bị giam giữ tại các trại ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.