Tại hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở thành phố lịch sử Hàng Châu của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry gặp những người đồng cấp nước ngoài để tìm giải pháp cho những vấn đề lớn trên toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu và bất ổn ở Trung Đông. Ông Obama đã đạt một thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc giảm thiểu ô nhiễm. Các cuộc đàm phán khác của ông Obama tập trung vào xung đột ở Syria và các mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh lớn. Ngoại trưởng Kerry đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong một nỗ lực để đạt một thỏa thuận ngừng bắn cho Syria.
Lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh G-20 hôm Chủ nhật hoành tránh như lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008. Chính phủ một lần nữa mời đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu dàn dựng cho sự kiện lớn của quốc gia. Buổi trình diễn đặc biệt kết hợp âm thanh, vũ đạo, và hiệu ứng ánh sáng trên mặt nước trước vẻ đẹp tự nhiên của Hồ Tây ở Hàng Châu. Bản thân các nghệ sĩ trình diễn không hẳn là những người làm nên điều kỳ diệu này-có một sân khấu chìm dưới mặt nước, nhưng hiệu ứng vẫn gây choáng ngợp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón các quan khách tham gia hội nghị tại một buổi tiệc tối hôm Chủ nhật.
Tổng thống Obama nhân cơ hội này đã có các cuộc thảo luận riêng với những nhà lãnh đạo lớn trên thế giới. Trong cuộc họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Obama cam kết Hoa Kỳ sẽ giúp truy tìm các nghi phạm trong cuộc đảo chính quân đội bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không nói rằng điều đó sẽ bao gồm việc dẫn độ một giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ mà ông Erdogan quy trách nhiệm thực hiện vụ đảo chính. Hai bên cũng bàn thảo về vấn đề Syria.
Tổng thống Obama nói:
“Tổng thống Erdogan và tôi cũng đã đồng ý tiếp tục theo đuổi một cuộc chuyển tiếp chính trị hòa bình ở Syria, vốn là cách lâu bền duy nhất để chấm dứt cuộc nội chiến tệ hại ở đó. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng nhau làm dịu bớt nỗi thống khổ của người dân, đảm bảo rằng thường dân Syria sẽ lại có thể sống an bình, và rằng chúng tôi có thể bình ổn toàn bộ khu vực”.
Tình hình Syria trở nên phức tạp vì số lượng các bên dính líu vào xung đột. Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chống lại Nhà nước Hồi giáo và cả hai phản đối chính phủ của ông Bashar al-Assad. Tuy nhiên, không giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ cũng đồng thời ủng hộ những người Kurd chiến đấu chống lại khủng bố tại Syria. Ông Assad nhận sự hậu thuẫn của Nga và Iran. Thường dân Syria bị mắc kẹt trong làn đạn.
Tại hội nghị thượng đỉnh G-20, Ngoại trưởng Mỹ làm việc với người đồng cấp Nga về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Ông cho biết cần có thêm nhiều cuộc họp nữa để giải quyết “các vấn đề khó khăn” còn lại.
Ông Kerry nói:
“Chúng tôi sẽ không làm những gì mà chúng tôi tin là ít có cơ hội chính đáng để thử và hoàn thành.”
Nghị trình làm việc hôm 5/9 của Tổng thống Obama cũng bao gồm một cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.