Đường dẫn truy cập

Mỹ có nên xét lại chiến lược thương thuyết trong vấn đề Trung Đông?


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki.

Những động thái trả đũa qua lại gần đây giữa người Palestine và Israel đã đặt ra những câu hỏi về vấn đề trong năm nay có đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ đứng ra làm trung gian điều giải hay không. Palestine đã thất bại trong cuộc vận động cho một nghị quyết Liên Hiệp Quốc để đặt ra một thời hạn 3 năm để thiết lập một quốc gia của người Palestine. Sau đó, họ phát động một nỗ lực để tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế hầu có thể truy tố Israel về các tội ác chiến tranh. Động thái này đã khiến Israel đóng băng việc chuyển giao lại một ngân khoản thuế thu hàng tháng cho chính quyền Palestine. Theo tường thuật của thông tín viên Pam Dockins của VOA, một số nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ có thể phải xét lại chiến lược điều giải của mình.

Trong khi Palestine quay sang Tòa án Hình sự Quốc tế để được hỗ trợ và Israel cứu xét động thái tiếp theo của họ, Hoa Kỳ nói sự chủ động giao tiếp mang tính xây dựng là cách duy nhất để có thể tiến tới phía trước.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki, phát biểu.

"Bất kể là khó khăn đến đâu, tất cả các bên cần tìm một cách để làm việc dựa trên tinh thần xây dựng và hợp tác để giảm căng thẳng, từ bỏ bạo lực và tìm ra một con đường tiến tới phía trước."

Bà Psaki nói Ngoại trưởng John Kerry đã dồn nỗ lực để khuyến khích cả hai bên tiến tới phía trước.

Nhưng các nỗ lực ngoại giao của Mỹ có thể đã gặp phải một chướng ngại rất khó tháo gỡ, theo nhà phân tích về Trung Đông Aaron David Miller của Trung tâm Woodrow Wilson.

"Tình hình cực kỳ khó khăn và những bước đột phá hiếm khi xảy ra, và chúng ta bây giờ đang nói đến những vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine – đó là vấn đề Jerusalem và vấn đề người tị nạn, trong một không gian rất nhỏ hẹp và giới hạn "

Ông nói giới lãnh đạo của tất cả các bên là một phần của vấn đề.

"Cả đương kim Thủ tướng Israel và Tổng thống Palestine, và ngay cả Tổng Thống Mỹ hiện nay, không có ai có đủ ý chí, kỹ xảo hay năng lực – hoặc ít ra cho tới nay họ chưa chứng minh được các đặc tính đó – để làm những gì được đòi hỏi để khiến cho các quyết định trở nên cần thiết."

Những thách thức khác trong khu vực, chẳng hạn như sự trỗi dậy của nhóm Nhà Nước Hồi giáo và các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, là những vấn đề làm mất sự tập trung của chính quyền Obama, theo ông Miller.

Nhưng Hoa Kỳ không cần xét lại chiến lược tổng thể của mình để đối phó với vấn đề Israel và Palestine, theo nhà phân tích Michael Rubin, thuộc Viện nghiên cứu American Enterprise. Ông nói:

"Điều mà Hoa Kỳ cần phải làm là giữ vững lập trường của mình và kiên quyết đòi hỏi rằng các hiệp định mà hai bên đã thỏa thuận với nhau phải được thực thi."

Ông nói một nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu để cắt giảm tài trợ quốc tế có thể buộc cả hai bên phải trở lại bàn thương thuyết. Ông Rubin nói tiếp:

"Nếu tiền bạc không bao giờ cạn, nếu nguồn viện trợ tái thiết không bao giờ gặp trắc trở sau khi một trong các bên liên hệ quyết định phát động chiến tranh, thì lẽ dĩ nhiên, quyết định đi tới chiến tranh sẽ trở nên dễ dàng hơn."

Các giới chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nói Israel và Palestine cần chọn lựa những bước hành động mà họ sẽ thực hiện, nhưng Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng đối thoại là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề trong lâu dài.

VOA Express

XS
SM
MD
LG