Báo Wall Street Journal cho biết Mỹ đã chặn những nỗ lực của Trung Quốc muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh sắp tới để bắt đầu các cuộc đàm phán về một khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương, trong khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tranh giành ảnh hưởng trong khu vực và hàng tỉ đô la thương mại.
Trung Quốc, nước chủ nhà tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm nay diễn ra vào ngày 10 và 11 tới, đã tìm cách mở rộng vai trò quốc tế của mình bằng cách thúc đẩy một hiệp ước được gọi là Khu vực Tự do Mậu dịch Châu Á Thái Bình Dương.
Khu vực tự do mậu dịch này của Bắc Kinh đã nằm trong chương trình nghị sự của APEC từ nhiều năm qua và lúc đầu được Mỹ thúc đẩy, nhưng đã bị gạt sang một bên trong khi Mỹ dồn sức vào hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của mình, hiệp định thương mại mà Mỹ đang đàm phán với 11 nước nhưng không có Trung Quốc.
Bắc Kinh muốn đảm bảo họ vẫn tiếp cận được một số đối tác thương mại lớn nhất của mình, vì theo tính toán của các chuyên gia, thỏa thuận TPP của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại khoảng 100 tỉ đôla kim ngạch xuất khẩu mỗi năm khi các nước đối tác buôn bán trao đổi ít hơn với Trung Quốc.
Vụ tranh chấp về chính sách thương mại là một ví dụ nữa cho thấy Mỹ đang đối đầu với tham vọng kinh tế quốc tế của Trung Quốc. Mỹ cũng đã vận động rất mạnh chống lại kế hoạch của Trung Quốc mở một ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng mới mà theo lập luận của Mỹ, ngân hàng của Trung Quốc có thể hạ thấp những tiêu chuẩn vốn được các ngân hàng phát triển khác như Ngân hàng Thế giới sử dụng, và có thể nhằm mục đích chủ yếu thúc đẩy các công ty của Trung Quốc.
Trong một sự kiện có liên quan, vào lúc đảng Cộng hòa đang thắng thế trong cuộc bầu cử quốc hội, một trong những nỗ lực của ông Obama có thể được tiếp tục xúc tiến là hiệp định TPP.
Một số ý kiến cho rằng vấn đề thương mại có thể là một điểm đồng thuận hiếm hoi giữa một Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát và Tòa Bạch Ốc vì các nghị sĩ Cộng hòa thường ủng hộ mở rộng thương mại.
Nguồn: WSJ