Tin cho hay Mỹ đang tính tới chuyện bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết sắp tới của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận mậu dịch lâu nay đối với Cuba.
Gần một phần tư thế kỷ nay, Cuba đã đưa ra một nghị quyết tương tự tại cuộc họp hằng năm của Đại hội đồng, bày tỏ quan ngại về các luật lệ ảnh hưởng đến chủ quyền và tự do mậu dịch của các nước khác. Trong hai năm qua, chỉ có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.
Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ-Cuba đã chuyển hướng đáng kể, từ cuộc biểu quyết lần trước vào tháng 10 năm ngoái. Tháng 7 năm nay, chính phủ hai nước chấm dứt 54 năm đối kháng và đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao. Sau đó, đại sứ quán ở Havana và Washington được mở lại và Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai thúc giục Quốc hội dỡ bỏ cấm vận cho Cuba.
Cho đến nay, các nhà lập pháp trong Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát chưa có động thái nào đáng kể tiến tới việc này. Tuần rồi, Tổng thống tuyên bố chính quyền của ông sẽ ‘từng bước’ tìm kiếm các cơ hội giảm bớt những ảnh hưởng của lệnh cấm vận trong lúc nó vẫn còn có hiệu lực .
Hãng tin AP hôm nay dẫn lời bốn giới chức chính quyền bình luận với điều kiện ẩn danh cho hay Hoa Kỳ sẽ cân nhắc việc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết mới của Đại hội đồng về việc cấm vận Cuba nếu văn bản nghị quyết có những thay đổi đáng kể so với các phiên bản trước đó.
Các quan chức cho biết chừng nào nhìn thấy văn bản mới nhất của nghị quyết mới có quyết định chung cuộc, nhưng việc bỏ phiếu trắng có thể là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Quốc hội thể hiện cam kết của Tổng thống về việc kết thúc lệnh cấm vận Cuba.
Nghị quyết năm ngoái phần lớn nội dung chung chung không chỉ ra việc Hoa Kỳ thúc giục bãi bỏ các luật lệ làm ảnh hưởng tới tự do mậu dịch, nhưng có một đoạn đề cập cụ thể tới một đạo luật của Mỹ năm 1996 được gọi là đạo luật Helms-Burton có mục đích tăng cường các chế tài quốc tế đối với Cuba, chống lại các mối đe dọa từ chính phủ Cuba và hỗ trợ một quá trình chuyển tiếp chính trị sang một chính phủ dân chủ. Có một điều khoản trong đạo luật này cho phép Tổng thống Mỹ huỷ bỏ lệnh cấm vận thương mại nếu quá trình chuyển tiếp chính trị diễn ra.
Bác bỏ nghị quyết năm ngoái, đặc sứ Mỹ Ronald Godard nói các biện pháp chế tài là một phần nỗ lực giúp người dân Cuba tự do thực thi quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Ông nói Cuba thường viện cớ đổ lỗi rằng các vấn đề kinh tế của họ là do các nghị quyết hằng năm này gây ra.
Phần chính của cuộc họp Đại hội đồng năm nay khởi sự vào thứ hai tuần sau. Dự kiến hôm đó sẽ có các bài diễn văn của cả Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Các nghị quyết của Đại hội đồng chỉ đơn thuần cần một tỷ lệ đa số để thông qua, nhưng không giống những nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nghị quyết của Đại hội đồng không được hỗ trợ bởi bất kỳ cơ chế thực thi nào.