Đường dẫn truy cập

Mỹ cam kết giải quyết tàn dư chiến tranh đến khi Việt Nam hết bom mìn thời chiến


Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bonnie Jenkins (trái) thăm một khu vực rà phá bom mình ở Quảng Trị trong chương trình Loại bỏ Vũ khí Thông thường ở Việt Nam do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bonnie Jenkins (trái) thăm một khu vực rà phá bom mình ở Quảng Trị trong chương trình Loại bỏ Vũ khí Thông thường ở Việt Nam do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.

Chính phủ Mỹ tài trợ hơn 206 triệu USD trong gần 3 thập kỷ qua cho các chương trình Loại bỏ Vũ khí Thông thường ở Việt Nam, nơi vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn chưa nổ từ chiến tranh, và cam kết tiếp tục giải quyết hậu quả chiến tranh cho đến khi Việt Nam trở nên an toàn.

“Việt Nam là một trong những chương trình lâu năm nhất và mạnh mẽ nhất (của chúng tôi)”, bà Karen Chandler, quyền phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thuộc Vụ Các vấn đề Chính trị-Quân sự của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với VOA khi đề cập đến chương trình phá hủy vũ khí thông thường mà chính phủ Mỹ đang thực hiện ở 120 nước trên thế giới. “Sự hợp tác mà chúng tôi có với chính phủ Việt Nam trong mối quan hệ mà chúng tôi đã tạo dựng từ chương trình phá hủy vũ khí thông thường thực sự là một bệ đỡ cho toàn bộ mối quan hệ song phương với Việt Nam”.

Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước trên thế giới nhận nhiều tài trợ nhất từ Mỹ trong chương trình Phá hủy Vũ khí Thông thường (USCWD) kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu hỗ trợ các quốc gia toàn cầu, nhất là châu Phi và châu Á, trong việc rà phá bom mìn và vũ khí chiến tranh, theo báo cáo thường niên có tên “Bước đi An toàn trên Trái đất” (TWTES) mà Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố hôm 4/4.

Iraq là nước nhận được nhiều tài trợ nhất trong chương trình toàn cầu của chính phủ Mỹ, với hơn 675 triệu USD kể từ năm 1993. Sau đó là Afghanistan với gần 574 triệu USD và tiếp theo là Lào với hơn 355 triệu USD. Trong 29 năm qua, Mỹ đầu tư hơn 4,6 tỷ USD cho việc phá rỡ an toàn bom mìn và các vũ khí gây nổ từ chiến tranh, tiếp tục là nhà cung cấp tài chính lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực này.

Trong số 65 quốc gia nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ Mỹ trong tài khóa 2022 cho chương trình USCWD, Việt Nam được cấp hơn 20,2 triệu USD và là nước nhận được nhiều tài trợ nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, theo báo cáo.

Nói với VOA sau buổi công bố báo cáo tại Trung tâm Báo chí Quốc tế ở thủ đô Washington, bà Chandler cho biết rằng chính phủ Mỹ cam kết mạnh mẽ với Việt Nam bởi vì “Hoa Kỳ có nghĩa vụ giải quyết hậu quả ô nhiễm của Chiến tranh Việt Nam”.

“(Mỹ) có một mong muốn rất lớn là xây dựng sự an toàn cũng như an ninh cho người dân Việt Nam và giúp trả lại đất đai cho Việt Nam để họ có thể tiếp tục phát triển kinh tế và an ninh lương thực”, bà Chandler nói.

Phát biểu tại một hội nghị về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam hồi tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1975, đã có hơn 40.000 người bị chết và 60.000 người bị thương, do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Ông Chính còn cho biết rằng trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi tính mạng của hơn 1 nghìn người và hơn 1.300 người phải mang thương tật suốt đời ở Việt Nam.

Theo thống kê của Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), cơ quan đang hợp tác cùng Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện chương trình USCWD ở Việt Nam, hiện vẫn còn trên 6,1 triệu ha diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn và vật nổ ở quốc gia Đông Nam Á, chiếm hơn 18,8% diện tích đất cả nước.

Phần lớn bom mìn chưa nổ tập trung ở các tỉnh gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam, đặc biệt là những nơi thuộc Khu phi quân sự cũ trong Chiến tranh Việt Nam, theo báo cáo của BNG Mỹ.

“Một trong những điều mà chúng tôi đang thực sự tập trung vào lúc này là giải quyết tình trạng ô nhiễm ở tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị”, bà Chandler nói. “Đó là những tỉnh miền Trung nơi chúng tôi thấy có số lượng hoặc mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất từ Chiến tranh Việt Nam”.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết có một lượng đáng kể bom mìn chưa nổ vẫn còn tồn tại ở các vùng phía nam Việt Nam cũng như ô nhiễm bom mìn dọc biên giới phía bắc của Việt Nam với Trung Quốc, nơi xảy ra chiến tranh giữa hai nước láng giềng năm 1979.

Ngoài việc rà phá bom mìn chưa nổ và các nguy cơ cháy nổ khác, các chương trình loại bỏ vũ khí thông thường của Mỹ ở Việt Nam từ năm 1993 đến nay còn thực hiện giáo dục nâng cao nhận thức về rủi ro bom mìn và hỗ trợ nạn nhân sống sót trong các cộng đồng bị ảnh hưởng cũng như hỗ trợ phát triển năng lực quốc gia.

Theo bà Chandler, chương trình USCWD của Mỹ ở Việt Nam đặc biệt hơn so với ở các nước khác là có sự tham gia mạnh mẽ của phụ nữ trong hoạt động rà phá bom mìn. Hàng chục phụ nữ đang tham gia các chương trình rà phá bom mìn do Mỹ và các nước khác hỗ trợ tài chính ở quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, việc thực hiện rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ ở Việt Nam còn gặp phải những thách thức trong đó nổi cộm là tác động của biến đổi khí hậu, theo bà Chandler. Đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng những cơn bão mạnh ở Việt Nam, do biến đổi khí hậu, gây ra lũ lụt và sạt lở đất nhiều hơn, làm lộ ra những khu vực ô nhiễm mới và cản trở cũng như làm chậm công việc rà phá bom mìn. Nhưng bà Chandler cũng cho hay các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là VNMAC, hợp tác hiệu quả trong chương trình của Mỹ để giải quyết các thách thức này.

Ngoài Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng tham gia hỗ trợ cho việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Theo báo cáo, Chương trình Nghiên cứu và Phát triển Rà phá bom mìn Nhân đạo của Bộ Quốc phòng giúp đánh giá hệ thống phát hiện bom mìn chưa nổ trong khi Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giúp giảm tác động xã hội, kinh tế và môi trường của bom mìn cũng như vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh thông qua hoạt động dò tìm và rà phá bom mìn trong số nhiều hoạt động khác.

Ngoài Mỹ, Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ của nhiều nước khác trên thế giới, như Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, trong việc rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ sau chiến tranh.

Theo đánh giá của VNMAC, diện tích đất ô nhiễm ngày càng được thu hẹp ở Việt Nam trong khi số nạn nhân tử vong và thương tật do bom mìn, vật nổ gây ra ngày một giảm dần. Báo cáo năm 2019 của cơ quan này cho biết, đặc biệt có địa phương bị ô nhiễm nặng như Quảng Trị, trong năm 2017 đã không còn nạn nhân bị tử vong do bom mìn, vật nổ.

Bà Chandler cho biết Hoa Kỳ cam kết lâu dài trong việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam.

“Chúng tôi coi đây là một cách để tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác lớn hơn nữa với Việt Nam”, bà Chandler nói. “Những gì chúng ta đã thấy là việc rà phá bom mìn đóng vai trò là nền tảng cho quan hệ đối tác và trong nhiều năm qua đã mở ra những cơ hội mới cho hợp tác kinh tế lớn hơn giữa hai nước (Mỹ và Việt Nam) và thậm chí cả hợp tác quốc phòng”.

Bà Chandler còn nói việc Mỹ hỗ trợ rà phá bom mìn ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng lòng tin giữa hai cựu thù và giúp hai nước tiến tới nâng cấp mối quan hệ trong tương lai.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG