Các công ty Mỹ bao gồm Walt Disney và công ty mẹ của Facebook là Meta ngày 24/6 loan báo sẽ đài thọ chi phí cho nhân viên nếu họ phải sang một tiểu bang khác để phá thai sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đảo ngược quyền phá thai.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 24/6 có bước đi kịch tính khi lật ngược phán quyết Roe v. Wade mang tính bước ngoặt hồi 1973 vốn công nhận quyền phá thai của phụ nữ theo Hiến pháp và hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc. Phán quyết ngày 24/6 đem đến chiến thắng to lớn cho phe Cộng hòa và thành phần tôn giáo bảo thủ vốn muốn hạn chế hay cấm phá thai.
Theo dự kiến, nhiều tiểu bang sẽ hạn chế hơn nữa hoặc cấm phá thai sau phán quyết của Toà Tối cao. Và như vậy là các nữ nhân viên khó có thể phá thai trừ khi họ sang các tiểu bang cho phép thực hiện thủ tục này.
Ví dụ, ở Oklahoma, một đạo luật ký hồi tháng 4 cấm phá thai, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp y tế, và phạt các y bác sĩ phạm luật với số tiền phạt lên đến 100.000 đô la và 10 năm tù. Luật vừa ký ở bang này sẽ có hiệu lực vào tháng 8 năm nay.
Trong số các tiểu bang bảo vệ việc phá thai có New York và Maryland.
Công ty Disney thông báo với nhân viên rằng họ công nhận tác động từ phán quyết của Toà Tối cao, và giữ cam kết cung cấp cho nhân viên khả năng tiếp cận toàn diện với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, bao gồm cả việc phá thai, theo một phát ngôn viên của Disney.
Công ty Meta sẽ hoàn trả chi phí đi lại cho các nhân viên phải tới tiểu bang khác để được chăm sóc sức khoẻ sinh sản, nhưng công ty cũng đang “đánh giá cách tốt nhất để thực hiện điều này vì những phức tạp pháp lý liên quan”, theo một phát ngôn viên.
Các công ty cung cấp chi trả cho nhân viên qua tiểu bang khác phá thai có thể dễ bị kiện bởi các nhóm vận động chống phá thai và các tiểu bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo, thậm chí có thể bị phạt hình sự.
Các luật sư và các chuyên gia cho biết các chủ lao động có thể đối mặt với những cáo buộc rằng chính sách của họ vi phạm luật cấm của tiểu bang, tạo điều kiện hoặc hỗ trợ hoặc tiếp tay cho việc phá thai.
Tập đoàn Hàng không Alaska, công ty mẹ của Alaska Airlines, ngày 24/6 thông báo với nhân viên sẽ “hoàn tiền đi lại cho một số phẫu thuật và điều trị mà không có ở nơi bạn sinh sống. Quyết định của Tòa án Tối cao hôm nay không thay đổi điều đó.”
Các công ty khác cũng cung cấp quyền lợi vừa kể cho nhân viên bao gồm các trang mạng hẹn hò trực tuyến OkCupid và Bumble, Netflix và JPMorgan Chase & Co, ngân hàng lớn nhất ở Mỹ.