Đường dẫn truy cập

Bộ Tư pháp Mỹ bắt một người gốc Việt tội lừa đảo hàng triệu đô la tiền cứu trợ đại dịch


Lebnitz Tran, một công dân Mỹ gốc Việt ở San Jose, vừa bị Bộ Tư pháp Mỹ bắt giam vì cáo buộc gian lận hàng triệu USD từ các quỹ cứu trợ đại dịch của chính phủ liên bang.
Lebnitz Tran, một công dân Mỹ gốc Việt ở San Jose, vừa bị Bộ Tư pháp Mỹ bắt giam vì cáo buộc gian lận hàng triệu USD từ các quỹ cứu trợ đại dịch của chính phủ liên bang.

Bộ Tư Pháp Mỹ vừa bắt giam một người đàn ông gốc Việt vì có liên quan tới vụ gian lận 3,6 triệu USD từ các quỹ trợ cứu trợ đại dịch COVID-19 của chính phủ liên bang và được cho là đã dùng một phần số tiền này để mua tiền ảo và xe tô ô Tesla.

Ông Lebnitz Trần, 40 tuổi và là một cư dân của San Jose ở California, bị bắt hôm 8/7 vì các cáo buộc hình sự liên quan đến các âm mưu gian lận của người đàn ông gốc Việt trong việc nộp đơn xin vay hàng triệu USD từ các quỹ cứu trợ của Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) và Khoản vay Hỗ trợ Thảm hoạ Thiệt hại Kinh tế (EIDL) của chính phủ để trợ cấp vì đại dịch virus corona, theo Bộ Tư pháp cho biết.

Trong một thông cáo đưa ra hôm 9/7, Bộ Tư pháp nói rằng ông Trần đã nộp 27 đơn xin các khoản vay từ các chương trình cứu trợ kể trên, mà Bộ này cho là gian lận, trong đó có ít nhất 7 đơn xin vay từ chương trình EIDL mà ông Trần đệ đơn thay mặt cho nhiều cá nhân và tổ chức kinh doanh bằng việc sử dụng các thông tin hư cấu và chứng từ giả mạo cùng số liệu bảng lương hư cấu hoặc phóng đại quá mức và các tài liệu thuế giả mạo.

Ông Trần bị cáo buộc là đã dùng các thông tin và hồ sơ thuế giả mạo để xin vay 8 triệu USD từ các quỹ cứu trợ. Theo Bộ Tư pháp, người đàn ông gốc Việt này nhận được 3,6 triệu USD thông qua các thủ tục vay bất hợp pháp và cuối cùng lấy ra được 2 triệu USD từ vụ gian lận này.

Theo một bản cáo trạng do một bồi thẩm đoàn liên bang của San Francisco công bố hôm 9/7 được Bộ Tư pháp trích dẫn, ông Trần bị cáo buộc đã cùng một số người khác sử dụng số tiền nhận được từ các quỹ cứu trợ vào việc “mua sắm ở các cửa hàng và nhà hàng, mua tiền điện tử và, trong một trường hợp cụ thể, đã dùng 100.000 USD để mua một chiếc ô tô điện của hãng Tesla từ một cửa hàng xe sang trọng.”

Một điều tra của KPIX 5 vào tháng 6 năm ngoái cho thấy ông Trần đứng tên trong giấy tờ đăng ký 4 công ty vào tháng 5/2020 và một tháng sau đó nhận được các khoản vay từ chương trình PPP. Bốn công ty mà KPIX 5 liệt kê là 88 Cloud Computing LLC, 88 Enterprise Services LLC, 88 Investment Empire LLC và 88 Venture Capital LLC, đều nằm trong danh sách các công ty nhận các khoản vay của Cục Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA). Mỗi công ty này nhận được từ 350.000 USD cho đến 1 triệu USD các khoản vay trong vòng 1 tuần vào tháng 6/2020.

Điều tra này còn phát hiện ra rằng các công ty do ông Trần đăng ký không được cấp phép kinh doanh ở Hạt Santa Clara của California. Hồ sơ điều tra của KPIX 5, thuộc kênh truyền hình CBSN, cho thấy 4 công ty này mới chỉ được thành lập vào tháng 4/2020 trong khi chỉ những doanh nghiệp thành lập trước thời gian đại dịch bùng phát ở Mỹ, vào tháng 2/2020, mới được phép nhận các khoản vay này.

Ông Trần đang bị giam giữ với cáo buộc 6 tội lừa đảo qua mạng và 3 tội gian lận ngân hàng. Nếu bị kết tội, người đàn ông gốc Việt sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là 30 năm tù cho mỗi tội danh gian lận ngân hàng và 20 năm tù cho mỗi tội danh lừa đảo qua mạng.

Bộ Tư pháp cho biết Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Văn phòng Tổng Thanh tra của Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ (SBA-OIG) đang điều tra vụ án.

VOA Express

XS
SM
MD
LG