Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ngày 18/10 bắt đầu thu thập “giao dịch trên mạng xã hội, bí danh, tin tức liên hệ đến việc nhận diện cá nhân và những kết quả tìm kiếm” của tất cả di dân muốn nhập cảnh Mỹ.
Dù biện pháp này được loan báo cuối tháng rồi, nhưng DHS giữ kín về phương thức thu thập dữ liệu và ai sẽ xem xét các dữ liệu này.
Biện pháp này mở rộng hơn nữa những nỗ lực trước đây dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Quy định mới bổ sung cho Đạo luật về Quyền Riêng tư năm 1974, bao gồm việc theo dõi những thường trú nhân và những người nhập quốc tịch Mỹ cũng như thân nhân các di dân, các bác sĩ chữa trị cho di dân, các giới chức thi hành luật pháp nào đã xác nhận di dân có hợp tác trong một cuộc điều tra, và các luật sư và những người khác trợ giúp di dân.
Bất chấp những khó khăn, một số nhà lập pháp từ nhiều năm nay đã thúc đẩy chính phủ nỗ lực thêm để công khai theo dõi những tin tức có được về những người nhập cư Mỹ.
Vào năm 2015, sau khi những kẻ tấn công có nguyên quán từ nước ngoài bắn chết nhiều người tại San Bernadino, California, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain đưa ra một dự luật đòi hỏi DHS truy lục tìm hiểu trên các trang mạng xã hội thông tin về những người du hành tới Mỹ và di dân tới Mỹ.
Luật về Quyền Riêng tư được đưa ra vào năm 1974 sau khi Tổng thống Richard Nixon từ chức khi ông bị phát hiện xâm nhập hồ sơ của Đảng Dân chủ tại Khách sạn Watergate ở Washington D.C. Luật này nhằm ngăn chặn khả năng của chính phủ thu thập thông tin của các cá nhân.
Đa số những người sử dụng truyền thông xã hội ở độ tuổi đại học, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew: 86% những người tuổi từ 18-29 sử dụng ít nhất một trang mạng truyền thông xã hội, so với 80% những người tuổi từ 30-49, 64% trong độ tuổi từ 50-64, và 34% những người trên 65 tuổi.