Đường dẫn truy cập

Mỹ âm thầm vận chuyển phi đạn ATACMS tầm xa tới Ukraine


Binh sĩ Mỹ đang bố trí Hệ thống Phi đạn Chiến thuật Quân đội (ATACMS) trong một cuộc tập trận tại Queensland, Úc, ngày 26/7/2023.
Binh sĩ Mỹ đang bố trí Hệ thống Phi đạn Chiến thuật Quân đội (ATACMS) trong một cuộc tập trận tại Queensland, Úc, ngày 26/7/2023.

Hoa Kỳ trong những tuần gần đây đã bí mật chuyển phi đạn tầm xa tới Ukraine để sử dụng trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Nga, và Ukraine hiện đã sử dụng chúng hai lần, một quan chức Mỹ cho biết ngày 24/4.

Quan chức Mỹ giấu tên cho hay các phi đạn này nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 300 triệu đô la cho Ukraine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt vào ngày 12/3. Quan chức này không cho biết có bao nhiêu phi đạn đã được gửi đi.

Các phi đạn này được sử dụng lần đầu tiên vào rạng sáng ngày 17 tháng 4, nhắm vào một sân bay Nga ở Crimea, cách chiến tuyến Ukraine khoảng 165 km, quan chức này cho biết.

Vẫn theo nguồn tin vừa kể, Ukraine đã sử dụng vũ khí này lần thứ hai đêm qua để chống lại lực lượng Nga ở đông nam Ukraine.

Có nên gửi Hệ thống Phi đạn Chiến thuật Quân đội (ATACMS) với tầm bắn lên tới 300 km sang Ukraine hay không là chủ đề tranh luận trong chính quyền Biden trong nhiều tháng. ATACMS tầm trung được cung cấp vào tháng 9 năm ngoái.

Ngũ Giác Đài ban đầu phản đối việc triển khai phi đạn tầm xa vì lo ngại việc mất phi đạn khỏi kho dự trữ của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Cũng có lo ngại rằng Ukraine sẽ sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

Quan chức Mỹ cho biết, việc Nga sử dụng phi đạn đạn đạo tầm xa do Triều Tiên cung cấp để chống lại Ukraine vào tháng 12 và tháng 1, bất chấp những cảnh báo công khai và riêng tư của Mỹ về việc không làm như vậy, đã dẫn đến sự thay đổi này.

Quan chức này nói, một yếu tố nữa trong quyết định của Mỹ là việc Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

“Chúng tôi đã cảnh cáo Nga về những điều đó”, quan chức này nói. “Họ đã đổi mới mục tiêu của họ.”

Vào cuối tháng 1, quân đội Hoa Kỳ đã tìm ra cách để giải quyết mối lo ngại của họ về mức độ sẵn sàng của quân đội, điều này giúp chính quyền có thể tiến lên phía trước. Họ bắt đầu mua các phi đạn mới từ dây chuyền sản xuất của công ty Lockheed-Martin.

Ông Biden đã gặp nhóm an ninh quốc gia của mình vào giữa tháng 2 và đồng ý chấp nhận khuyến nghị của các cố vấn về việc gửi phi đạn tới Ukraine. Tham gia cuộc thảo luận có cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân C.Q. Brown.

Thách thức vào thời điểm đó là tìm ra cách trả tiền cho phi đạn. Hoa Kỳ đã cạn kiệt tất cả các lựa chọn tài trợ và sự bế tắc của Quốc hội đã cản trở việc tiếp tục viện trợ.

Một cơ hội xuất hiện vào tháng 3, khi một số hợp đồng của Ngũ Giác Đài được đưa ra đấu thầu. Ông Biden đã có thể sử dụng số tiền chênh lệch để gửi 300 triệu đô la hỗ trợ cho Ukraine.

Quan chức này cho biết, ông Biden đã yêu cầu nhóm của mình đưa ATACMS tầm xa vào gói tài trợ này, nhưng thực hiện một cách bí mật để duy trì an ninh cho hoạt động và tạo bất ngờ cho Ukraine.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG