Đa số các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới đều lên án các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 nhắm vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên nhiều người cho rằng phản ứng của Washington sau các cuộc tấn công khủng bố đó, còn tệ hại hơn nữa.
Ông Steven Kull, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chính sách Quốc tế tại đại học Maryland, đã thực hiện nhiều cuộc thăm dò công luận tại các quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo. Ông nói trước sự kiện 11 tháng 9, công chúng đã có một cái nhìn tiêu cực về Hoa Kỳ, một phần do sự ủng hộ mà người Mỹ dành cho Israel; tuy nhiên tình cảm chống Mỹ chưa hình thành rõ rệt. Các cuộc chiến tiếp diễn tại Afghanistan và Iraq sau đó, và hành động can thiệp quân sự của NATO tại Libya, cũng như nhận thức cho rằng Hoa Kỳ ủng hộ các chế độ độc tài lợi dụng mối đe dọa do al-Qaida đặt ra để bịt miệng giới bất đồng chính kiến, đã củng cố các quan điểm tiêu cực của họ về nước Mỹ.
Trong khi nhiều người Hồi giáo ngưỡng mộ các giá trị dân chủ Mỹ, ông Kull nói rằng ngày nay tại đa số các nước Hồi giáo, nhiều người có cái nhìn tiêu cực về Hoa Kỳ.
Ông Kull nói: “Có quan điểm cho rằng nước Mỹ không luôn luôn thực hiện các giá trị dân chủ mà họ đề cao, Mỹ được coi là một nước không thân thiện với Hồi giáo, sẵn sàng sử dụng vũ lực bất chấp luật quốc tế, và Mỹ không thực sự cổ võ cho dân chủ.”
Esam El-Erian là một thủ lãnh của tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo ở Ai Cập, vốn có lập trường bảo thủ. Nhóm này từng bị cấm hoạt động vì lập trường chống đối chế độ cai trị của ông Hosni Mubarak. Ông El-Erian lập luận rằng các chiến dịch quân sự của Mỹ đã giết nhiều người hơn so với các phần tử khủng bố Hồi giáo, ông cho rằng sử dụng vũ lực để ổn định và áp đặt dân chủ lên các nước Hồi giáo là một thất bại.
Ông El-Erian nói tiếp: “Họ đã thất bại tại Afghanistan. Vâng, họ đã thất bại trong việc xây dựng một tấm gương dân chủ...”
Các cuộc thăm dò công luận cho thấy là các nỗ lực của Tổng Thống Obama, mời gọi sự tham gia của thế giới Hồi giáo đã không ảnh hưởng đáng kể tới thái độ đó.
Nhưng Indonesia là một ngoại lệ hiếm có, tại đây công chúng có quan điểm tích cực hơn về Hoa Kỳ. Sự kiện Tổng Thống Obama từng sinh sống tại Indonesia trong thời niên thiếu, và nước này đã trải qua tiến trình dân chủ, hơn nữa cũng phải chịu đựng các cuộc tấn công khủng bố, là những yếu tố khiến công chúng có phản ứng tích cực hơn về nước Mỹ.
Cho dù thế, một thiểu số nhưng ồn ào ở Indonesia vẫn chống đối chính sách quân sự của Mỹ, và quan hệ giữa Hoa Kỳ với Israel.
Năm ngoái, chiến dịch quân sự gây tử vong của Israel nhắm vào một đoàn tàu cứu trợ trên đó có nhiều người hoạt động tích cực đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối ở Jakarta.
Sinh viên Sahid Sundana người Indonesia nói nên quy lỗi cho Tổng Thống Obama về hành động của Israel.
Anh Sundana nói Tổng Thống Obama phải ngăn cản Israel làm những việc tương tự, và người Mỹ không nên bảo vệ hoặc bao che Israel.
Nhiều tín đồ Hồi giáo cũng tỏ ra phẫn nộ về điều mà họ cho là thái độ thiếu nhạy cảm của Hoa Kỳ đối với Hồi giáo.
Hồi tháng 5, sau khi các lực lượng Mỹ giết chết thủ lãnh khủng bố Osama bin Laden, một số giáo sĩ Hồi giáo đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ, không phải vì đã giết bin Laden, mà vì đã thủy táng trùm khủng bố này, đi ngược với những giáo huấn trong đạo Hồi.
Tại Tunisia, nơi khởi phát phong trào Mùa Xuân Ả rập, nhiều người nói rằng Washington đã không hỗ trợ nhiều cho các nhóm thân dân chủ. Tuy nhiên nhiều người khác trên các đường phố của thủ đô Tunis tại nước này tin rằng chính sách của Mỹ giờ đây đã có cải thiện.
Một người đàn ông Tunisia nói: “Người Mỹ bắt đầu chú ý tới Tunisia, đôi khi một cách hăng say. Tôi có cảm tưởng rằng họ sẽ giúp người Tunisia và đã khởi sự làm việc đó.”
Ông Kull nói trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục dần dà triệt thoái các lực lượng ở Iraq và Afghanistan về nước, và nếu có tiến bộ hướng tới hòa bình giữa Israel và người Palestine, thì quan điểm của thế giới Hồi giáo đối với Hoa Kỳ có phần chắc sẽ cải thiện.
Tuy nhiên nếu Washington muốn thăng tiến dân chủ trên thế giới, thì theo ông Kull, Washington phải làm việc với cả tổ chức Huynh đệ Hồi giáo cũng như với các nhóm Hồi giáo khác.
Ông Kull nói: “Các nhóm ấy sẽ tham gia bất cứ tiến trình dân chủ nào nổi lên trong thế giới Hồi giáo. Hoa Kỳ cần phải đưa ra một lập trường thân thiện hơn đối hướng tới mục tiêu đó, Mỹ không nên có thái độ qúa nghi kỵ đối với các nước liên hệ.”
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đã ra dấu hiệu cho thấy Washington sẵn sàng tiến thêm một bước về hướng đó, và đã mời gọi sự tham gia của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo , tuy nhiên ông El-Erian nói cho tới nay vẫn chưa có liên lạc nào giữa hai bên.
10 năm đã qua kể từ sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, năm 2001, nhưng cải thiện quan điểm của người Hồi giáo về nước Mỹ vẫn là một nỗ lực chưa thành công.
Đã 10 năm trôi qua từ khi các phần tử khủng bố Hồi giáo tấn công Hoa Kỳ, khiến thế giới chú ý tới các quan hệ giữa Hoa Kỳ với thế giới Hồi giáo. Brian Padden là thông tín viên của Đài VOA tại Indonesia, quốc gia có tín đồ Hồi giáo đông nhất trên thế giới. Trong bài tường trình gửi về từ thủ đô Jakarta, Thông tín viên Padden xem xét hiện trạng của các quan hệ Mỹ-Hồi giáo.