Trong số các thi sĩ của chúng ta, người có nhiều thơ được phổ nhạc nhất có lẽ là Nguyễn Bính. Và, hai bài thơ đầu tiên của Nguyễn Bính được phổ nhạc là bài Cô Hái Mơ và Cô Lái Đò.
Bài Cô Hái Mơ do Phạm Duy soạn thành ca khúc và hình như cũng là bài hát đầu tay của Phạm Duy.
Bài Cô Lái Đò do Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc. Sau Cô Lái Đò, Nguyễn Đình Phúc còn được biết đến rất nhiều qua ca khúc thứ hai của ông là Lời Du Tử. Người ta yêu bài hát này của Nguyễn Đình Phúc và còn yêu luôn cả tiếng hát của Bùi Công Kỳ, người đã một thời mang các ca khúc của Nguyễn Đình Phúc đi trình diễn tại các sân khấu, hoặc các quán cà phê ở Hà Nội. Vào thời ấy, hình thức trình diễn như thế còn được coi là mới lạ.
Những người được nghe Bùi Công Kỳ hát, đều nói rằng, ông có một giọng hát hết sức quyến rũ. Chỉ tiếc rằng, khi đó người ta chưa có phương tiện để ghi lại giọng hát của ông.
Bùi Công Kỳ cũng là người đã viết lời ca cho ca khúc lừng danh của Đặng Thế Phong. Đó là bài Giọt Mưa Thu.
Nhưng… thưa quý vị và các bạn, chúng ta hãy trở lại với mùa xuân và bài thơ Cô Lái Đò của Nguyễn Bính do Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc. Bích Huyền mời quý vị và các bạn lắng nghe ca khúc này, Mai Hương diễn tả cùng với nghệ thuật hòa âm của Minh Tân.
Chúng ta có nhiều thơ phổ nhạc, và nhờ vào công việc này, âm nhạc Việt Nam có thêm một số lượng lớn các ca khúc giá trị.
Nói chung, một bài thơ phổ nhạc, thất bại không kể làm gì, nếu thành công thường là những bài hát hay được đón nhận nồng nhiệt. Thiết tưởng điều đó cũng dễ hiểu thôi, Bởi vì hầu hết nhạc của chúng ta còn là những ca khúc. Và, khi đã gọi là “ca khúc” thì lời ca chiếm một nửa giá trị của bài hát.
Vì vậy, nếu phần nhạc hay, thì thơ – do nhạc sĩ lựa chọn, chắc chắn là phần lời ca phải hay rồi.
Một ca khúc như thế có thể coi là toàn bích.
Bài thơ Xuân Và Tuổi Trẻ của Thế Lữ do La Hối phổ nhạc là một thí dụ điển hình… Bài thơ được phổ nhạc một cách tự nhiên đến nỗi, người nghe tưởng chừng như đó là một bài hát do chính nhạc sĩ viết lời ca chứ không phải là lời ca có sẵn mà nhạc sĩ chỉ tìm thanh điệu ghép vào.
Nói đến thơ phổ nhạc thời tiền chiến, chúng ta cũng không thể không nhắc tới bài thơ Tống Biệt của Tản Đà, nhạc Võ Đức Thu.
Bài thơ không có chữ nào nói đến Xuân nhưng người đọc vẫn cứ có cảm tưởng như hơi xuân phảng phất đâu đó trong suốt bài thơ. Có phải vì câu “Lá đào rơi rắc lối Thiên thai” chăng?
Đào là loài hoa chỉ nở trong mùa xuân. Thiên Thai, trong tưởng tượng của mọi người vốn được coi là một chốn xuân miên viễn. Cho nên dù chẳng hề nhắc đến xuân bài thơ vẫn cứ được coi là một bài thơ xuân.
Có người cho rằng, hai chữ “lá đào” không thể thay bằng bất cứ loài lá nào khác. Bởi vì như thế sẽ làm giảm đi rất nhiều cái vẻ tiên cảnh của bài thơ. Cùng ý nghĩa ấy sẽ làm hỏng cà bài thơ.
Trong thơ, có những chữ mà người ta gọi là “Thần tự”. Chẳng hạn như cũng trong bài Tống Biệt này, khi mới làm, Tản Đà viết câu thơ cuối cùng là “Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi”. Mười năm sau, ông mới chữa được chữ “soi” thành chữ “chơi”. Và quả thật, chữ “chơi” đã “làm động” hẳn câu thơ. Các nhà phê bình đều đồng ý là hay hơn, linh động hơn chữ “soi” rất nhiều.
Trong Tống Biệt, ngoài phần thơ, thì… phần nhạc của Võ Đức Thu gần như đã nhập vào thơ, có đủ sự ngậm ngùi của cái bước “trần ai”. Vâng, nhạc và thơ kết hợp thành một ca khúc tuyệt đẹp.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.
Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều ca khúc viết về mùa xuân, trong đó có những bài thơ đuợc phổ nhạc. Trong câu chuyện Thơ Nhạc kỳ này là những ca khúc xuân phổ từ thơ thời tiền chiến.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Việt Nam dẫn độ cựu quân nhân tình nguyện tại Ukraine; phe đối lập Belarus quan ngại
2Ông Huệ, ông Thưởng bị xem xét kỷ luật dù đã ‘tự nguyện xin nghỉ’
3Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia gặp khó vì Trung Quốc không cam kết vốn
4Triều Tiên gửi quân giúp Nga gây hại cho nỗ lực cân bằng của Trung Quốc
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!