Đường dẫn truy cập

13 binh sĩ Nam Phi bị giết ở Cộng hòa Trung Phi



Các phần tử nổi dậy Seleka đã chiếm quyền kiểm soát của thành phố, buộc Tổng Thống Cộng Hòa Trung Phi Francois Bozize phải chạy trốn.
Các phần tử nổi dậy Seleka đã chiếm quyền kiểm soát của thành phố, buộc Tổng Thống Cộng Hòa Trung Phi Francois Bozize phải chạy trốn.
13 binh sĩ của Nam Phi đã bị giết và 27 người khác bị thương trong các cuộc giao tranh với các phần tử nổi dậy tại thủ đô của nước Cộng hòa Trung Phi.

Tổng Thống Nam Phi Jacob Zuma cho hay là một binh sĩ Nam Phi hãy còn mất tích sau các cuộc xung đột đã khởi sự hôm thứ Bảy tại Bangui.

Các phần tử nổi dậy Seleka đã chiếm quyền kiểm soát của thành phố hôm qua, buộc Tổng Thống Cộng Hòa Trung Phi Francois Bozize phải chạy thoát thân.

Tổng Thống Zuma của Nam Phi nói rằng nước ông “bác bỏ bất cứ mưu toan nào nhằm chiếm quyền bằng vũ lực”, và cái chết của các binh sĩ Nam Phi sẽ không cản trở nước này làm việc để ngăn chận việc lật đổ các chính quyền do dân bầu lên.

Nam Phi đã điều động 200 binh sĩ tới giúp quân đội Cộng Hòa Trung Phi.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã lên án điều mà ông gọi là “hành động chiếm quyền bất hợp hiến” của các phần tử nổi dậy. Ông kêu gọi phải “lập tức tái lập trật tự hợp hiến” tại nước này.

Tổng thư ký Ban Ki-moon nói ông quan tâm sâu sắc về những tin tức về các vụ vi phạm nhân quyền và các hoạt động hôi của tại Bangui, kể cả tài sản của Liên Hiệp Quốc.

Ông Ban cho biết là một thỏa thuận giữa chính quyền và phe nổi dậy ký kết hồi tháng Giêng vẫn là cách tốt nhất để bảo đảm hòa bình và an ninh.

Theo thỏa thuận đó, Tổng Thống Cộng Hòa Trung Phi Bozize sẽ duy trì quyền lực cho tới khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2016, là lúc một thành viên của phe đối lập sẽ được đề cử vào chức Thủ Tướng.

Phe nổi dậy ở Cộng Hòa Trung Phi đã khởi sự chiến dịch tấn công của họ vào tháng 12. Họ tố cáo Tổng Thống Bozize là đã vi phạm thỏa thuận đạt được.

Tung tích của Tổng Thống Bozize hiện không được tiết lộ. Một số tin tường trình rằng ông đã vượt biên giới chạy sang Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng các giới chức Congo nói rằng ông không có mặt tại nước họ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland nói Washington rất quan ngại về tình hình đang xấu đi tại Cộng Hòa Trung Phi. Bà Nuland kêu gọi phe nổi dậy hãy thiết lập trật tự và tái tục các dịch vụ cơ bản như điện và nước.

Tổng Thống Bozize đã lãnh đạo Cộng Hòa Trung Phi từ sau cuộc đảo chánh năm 2003.

Các cuộc đảo chánh và bất ổn xảy ra thường xuyên trong lịch sử Cộng Hòa Trung Phi, từ khi nước này chiếm được độc lập từ nước Pháp hồi năm 1960.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG