Mundial 2010 vừa kết thúc vòng tứ kết. Bốn đội bị loại là Ghana, Brazil, Argentina và Paraguay. Còn lại 4 đội vào bán kết là Uruguay, Hà Lan, Đức và Tây Ban Nha, 3 đội châu Âu và 1 đội Châu Mỹ.
Đức thắng đậm Argentina 4-0, Hà Lan thắng Brazil là 2 trận có nhiều bất ngờ, làm sai nhiều phán đoán và cá cược.
Nhưng trận có nhiều kịch tính, sôi động, hồi hộp, căng thẳng, chứa đựng bi kịch, được luận bàn nhiều, còn được nhớ lâu là trận Uruguay – Ghana diễn ra chiều thứ sáu 2-7-2010 tại sân vận động Soccer City, Johannesburg.
Cả lục địa châu Phi hồi hộp theo dõi trận đấu vì đây là lần đầu tiên giải bóng đá thế giới được tổ chức ở châu lục này. Trong 6 đội châu Phi là Nam Phi, Cameroon, Algeria, Côte d’Ivoire, Nigeria, và Ghana, chỉ có một mình Ghana của châu Phi vào được vòng trong có 8 đội.
Ghana gây được ấn tượng khi hạ Serbia 1-0 trong trận đầu, sau đó lại hạ đội Hoa kỳ 2-1 ở vòng tiếp.
Trận gặp Uruguay là trận thứ 5 của Ghana ở Nam Phi. Trong 4 trận trước đó Ghana thắng 2 trận (thắng Serbia và Hoa kỳ), hòa 1 trận với Úc và thua 1 trận với Đức; tổng cộng thắng 4 bàn, thua 3 bàn.
Trận đấu căng thẳng, cân bằng suốt trong 45 phút của hiệp 1, cho đến cuối 2 phút đá thêm (phút thứ 47), cầu thủ nổi tiếng nhất là Gyan (số 6) chuyền bóng chéo cho Muntari (số 5) để suýt căng vào lưới thủ môn Muslera từ xa 35 mét. Đó là giây cuối cùng – giây hạnh phúc - của hiệp 1.
Vào hiệp 2, phút thứ 55, Forlan (số 7) của Uruguay sút quả phạt trực tiếp cách 25 mét vào lưới của thủ thành Kingson, gỡ hòa 1-1 cho Uruguay. Trận đấu giằng co, cân bằng cho đến hết hiệp 2. Hai hiệp phụ 15 phút diễn ra cũng vẫn giằng co, bất phân thắng bại trong suốt hơn 120 phút. Ở phút cuối cùng của 2 phút đá thêm của hiệp phụ, phía Ghana sút liền 2 quả bị hậu vệ Uruguay chặn được, đến quả đánh đầu tiếp của danh thủ Adiyiah vào khung thành, cầu thủ Suarez (số 4) liền lấy tay cố tình đẩy ra.
Lẽ ra trọng tài Benquerenca người Bồ Đào Nha có thể và phải công nhận bàn thắng quyết định này của Ghana vì bóng đã vào đến vạch của cửa thành, nếu Suarez không cố tình đỡ ra bằng tay thì bóng đã vào trong lưới.
Nhưng trọng tài chỉ phạt thẻ đỏ, đuổi Suarez ra khỏi sân và cho Ghana hưởng cú sút 11 mét.
Đây là giây cuối cùng của trận đấu.
Cả lục địa châu Phi hồi hộp, sung sướng, thổi kèn, ăn mừng sớm, vì quả phạt 11 mét ở giây cuối của trận đấu hầu như chắc chắn sẽ làm nên lịch sử cho châu Phi.
Nhưng…nhưng danh thủ Gyan đã suýt quả phạt vọt trên xà ngang!
Đại thắng vẻ vang của cả một châu lục tưởng như đã cầm chắc trong tay bỗng chốc bị tiêu tan thành mây khói trong nỗi thất vọng mông mênh.
Trong Mundial 2010 này, nhiều trận trọng tài đã phạm sai lầm, như trong trận Đức – Anh, một quả sút bóng đã vào phía trong vạch của cửa thành Đức nảy xuống đất đã không được công nhận. Theo thể lệ của FIFA, máy ghi hình Video chưa được chấp nhận, ý kiến trọng tài vẫn là quyết định.
Vẫn chưa hết bi kịch! Vì 2 bên vẫn hòa 1 – 1, sau 2 hiệp phụ.
Hai bên cử ra 5 cầu thủ để lần lượt đá 5 quả phạt 11 mét cho mỗi bên.
Danh thủ Gyan vừa đá trượt quả phạt vẫn lại mở đầu ghi bàn thứ nhất cho đội Ghana. Nhưng 2 cầu thủ Mensah và Adiyah sút quá nhẹ, bị thủ môn Muslera đoán trúng hướng và bắt gọn bóng. Tâm lý xao động của các cầu thủ Ghana sau khi bàn thắng không được công nhận, lại bị hụt mất quả phạt đền 11 mét đã tạo nên 2 quả sút yếu kém, không bình thường.
Cuối cùng Uruguay thắng 1 – 1 (4 – 2 trong đá phạt luân lưu).
Thế là chỉ có ở một giây quyết định; chỉ có ở một quả phạt quyết định; cả một lục địa hừng hực niềm vui, vui mênh mông trong suốt 4 năm và lâu hơn nữa, đã nhường cho một nỗi tiếc sâu sắc, mênh mông, “không gì an ủi nổi”, như những giọt nước mắt trên đôi má của danh thủ Gyan của Ghana. Xin nhớ Gyan đá hụt quả 11 mét quyết định, sau đó đã ghi bàn mở đầu cho 5 quả phạt cuối cùng, và Gyan cũng lại là người lập công trong các trận mở đầu vẻ vang của Ghana trong giải Mundial này.
Thất bại của đội bóng đá Ghana BLACK STARS - Những ngôi Sao Đen - không hoàn toàn bi đát, lại có hậu.
Muntari, Boateng, Pantsil, Gyan, Serpei, Kingson…, những ngôi Sao Đen lấp lánh vẫn là niềm thương yêu, quý mến của người dân Ghana và cả lục địa châu Phi.
Gyan đã khóc dài dài và xin lỗi, tạ lỗi với khán giả Nam Phi, trên đài phát thanh Ghana…càng làm cho người mến mộ bóng đá thương cảm.
Cả đội Ghana ôm anh, an ủi anh, không ai tỏ ra chê trách anh. Vì sau 120 phút tận lực đấu, chân cẳng rã rời, suýt bóng không thật chính xác là chuyện dễ hiểu.
Chiều thứ bảy 3-7, cụ Nelson Mandela đã tiếp đón thân mật toàn đội bóng đá Ghana tại nhà riêng. Khi nhận quà tặng chiếc áo cầu thủ, nhà lãnh đạo từng ở tù 27 năm, nguyên Tổng thống Nam Phi, 91 tuổi, an ủi: “Các bạn đã lập những kỳ tích hiếm có, là đại diện xứng đáng của nền bóng đá châu Phi chúng ta, các bạn có thể ngẩng cao đầu với thế giới. Bền gan sẽ thắng lợi”.
Sau đó toàn đội ghé chào bà Winnie Mandela, người vợ cũ của Cụ N. Mandela. Bà là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Bà ca ngợi, an ủi đội và tâm sự: “Gần đây tôi có nỗi đau buồn, cháu ngoại Zénani 13 tuổi không còn vì bị tai nạn xe. Những thắng lợi bước đầu của đội Ghana đã làm khuây khỏa lòng tôi giữa nỗi đau buồn này”.
Cái thú vị sâu xa của bóng đá là những suy ngẫm về tài năng, nghệ thuật, về cá nhân và đồng đội, về cầu thủ với huấn luyện viên, về trọng tài, về tất yếu và may rủi, về hiệu quả và số phận, về vị trí bóng đá trong cộng đồng, trong khu vực và giữa các châu lục.
Có những giây đồng hồ, một tích tắc, một cú sút có thể làm nên niềm hứng khởi của cả một lục địa mấy trăm triệu con người và…ngược lại
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1