Tại Ấn Ðộ, nỗi lo sợ hạn hán đang giảm vì mưa mùa vừa trở lại. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA ở New Delhi, các nông dân đang hối thúc chính quyền tăng cường các chương trình dẫn thủy nhập điền để giảm sự phụ thuộc vào mưa mùa.
Cho đến tận tuần trước, việc thiếu đến 43% lượng mưa không chỉ khiến cho những vùng đồng bằng rộng lớn của Ấn Ðộ phải đương đầu với một mùa hè nắng cháy da, mà còn làm tăng nỗi lo ngại về việc sản lượng lương thực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhưng vào tuần rồi, khi mưa mùa kéo đến trên nhiều khu vực trong nước, những người nông dân đã bận rộn gieo hạt để bù đắp cho thời gian mất đi.
Ông Charanjit Singh canh tác trên hơn 4 ha đất ở tiều bang Punjab miền bắc, nơi được xem là vựa lúa của Ấn Ðộ.
Ông Singh nói rằng vụ mùa mía đường có phần chắc bị ảnh hưởng bởi lượng mưa ít ỏi trong tháng Sáu, nhưng ông hy vọng vụ lúa của ông sẽ không bị ảnh hưởng.
Do tình trạng thiếu mưa trong tháng Sáu, chính phủ đã nhanh chóng phân phối hạt giống chịu hạn và thức ăn cho động vật ở những khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất.
Ấn Ðộ là một trong những nước sản xuất gạo, bắp, đường, hạt dầu và bông lớn nhất thế giới. Sản phẩm nông nghiệp không chỉ quan trọng để nuôi sống 1,2 tỉ người ở đất nước này, mà nhiều nước châu Phi và châu Á cũng nhập khẩu lương thực như gạo từ Ấn Ðộ.
Tuy nhiên, khi hơn một nửa đất nông nghiệp ở Ấn chỉ được tưới bằng nước mưa thì việc sản xuất lương thực bị phụ thuộc vào mùa mưa từ giữa tháng Sáu tới tháng Chín.
Người đứng đầu Hiệp hội nông nghiệp Ấn Ðộ, ông Chengel Reddy, nói mặc dù mưa đã trở lại, nhưng mưa mùa đến trễ có thể làm giảm sản lượng các loại cây trồng như đậu, mía đường và hạt dầu. Ông nói điều này sẽ tác động đến hàng triệu nông dân canh tác nhỏ lẻ:
“Về phần ngũ cốc, Ấn Ðộ sẽ không có vấn đề nghiêm trọng. Nhưng về phần các loại nông sản khác, và đối với vấn đề việc làm và thu nhập của người nông dân, thì điều đó sẽ có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia. Nếu mưa đến trễ, sản lượng sẽ giảm, thu nhập giảm. Do đó sẽ có khủng hoảng kinh tế trong các gia đình”.
Các tổ chức, đoàn thể của nông dân than phiền rằng tân chính phủ của đảng Bharatiya Janata (BJP) đã không phân bổ đủ ngân sách hàng năm cho việc hoàn thành các dự án thủy lợi, nhiều dự án trong số đó đã bị đình trệ nhiều năm do thiếu kinh phí. Ông Reddy nói:
“Ðảng BJP hứa thực hiện và hoàn tất các dự án thủy lợi, nhưng ngân sách phân bổ chỉ có 17 triệu đô-la. Chúng tôi làm được gì với 17 triệu đô-la? Trong 50 ngày qua, họ đã nói về việc xây đường, nhưng không ai nghĩ đến vấn đề thủy lợi, tôi không biết tại sao”.
Các nhóm nông dân nói chính quyền cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp bởi vì mặc dù chỉ chiếm 14% tổng sản phẩm nội địa, nhưng sản xuất nông nghiệp là sinh kế của 2/3 dân số.
Chính phủ từng nói rằng thúc đẩy kinh tế là ưu tiên hàng đầu, nhưng trọng tâm ngay trước mắt của họ là cải thiện cơ sở hạ tầng và khôi phục đầu tư.