Tại Nam Triều Tiên, một phóng viên Nhật Bản bị truy tố về tội phỉ báng Tổng thống Park Geun-hye. Vụ này khơi ra những quan ngại về tự do ngôn luận theo luật chống phỉ báng khắt khe của Nam Triều Tiên. Thông tín viên Đài VOA Brian Padden tường thuật từ Seoul.
Phóng viên Tatsuya Kato, cựu trưởng văn phòng báo Sankei Shimbun của Nhật Bản tại Seoul, không nhận tội phỉ báng Tổng thống Park Geun-hye.
Cáo trạng phát xuất từ một bài báo ngày 3 tháng 8 năm nay của ông gợi ý rằng Tổng thống Park đã vắng mặt trong 7 giờ đồng hồ khi xảy ra tai nạn phà Sewol vì bà đang ở với một người đàn ông.
Vào ngày 16 tháng 4 năm nay, hơn 300 hành khách, phần lớn là học sinh trung học thiệt mạng khi phà Sewol bị lật trong một chuyến đi đến đảo Jeju.
Bài báo của ông Kato nhắc lại những lời đồn đại trong giới truyền thông Nam Triều Tiên là Tổng thống Park độc thân có liên hệ tình cảm với một cựu phụ tá vừa mới ly dị, nhưng vào lúc xảy ra câu chuyện thì ông vẫn còn ở trong tình trạng có vợ. Không có dấu hiệu nào cho thấy những bản tin của các truyền thông khác là nguyên do gây ra một hành động pháp lý nào.
Văn phòng Công tố Quận Trung tâm Seoul cho biết bài báo của ông Kato căn cứ trên “những sự kiện sai lạc.” Nếu bị kết tội, ông Kato có thể bị đến 7 năm tù theo luật phỉ báng của Nam Triều Tiên.
Luật phỉ báng khắt khe cùng với luật an ninh quốc gia cho phép chính phủ kiểm duyệt truyền thông nhằm mục đích chống do thám và tuyên truyền của Bắc Triều Tiên.
Ông Oh Chang-ik thuộc tổ chức Đoàn kết Công dân vì Nhân quyền tại Seoul nói Tổng thống Park dùng luật này để bảo vệ thanh danh của bà.
Ông Oh nói đây là một vụ tiêu biểu cho thấy đất nước bị đặt dưới sự kiểm soát của tổng thống chứ không phải được cai trị bằng luật pháp, do đó những chính sách quốc gia quan trọng và những vụ hình sự có thể bị khống chế bởi cảm nghĩ của tổng thống.
Vụ truy tố xảy ra vào lúc căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia về tranh chấp một chuỗi đảo không người ở, và sự căm hận còn kéo dài tại Nam Triều Tiên về quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.
Ông Oh Chang-ik nói phóng viên Kato không bị truy tố vì ông là người Nhật, nhưng việc này cũng không giúp ông được gì cả.
Ông Oh nói dễ truy tố một phóng viên Nhật Bản hơn là truy tố một phóng viên Hoa Kỳ nhưng ông không nghĩ vụ này có liên hệ đến những mối quan hệ Triều Tiên-Nhật Bản.
Các tổ chức nhà báo gồm có Phóng viên Không Biên giới đã bày tỏ quan ngại về vụ này và ảnh hưởng tai hại có thể có đối với quyền tự do báo chí tại Nam Triều Tiên.
Vào năm 2011 tổ chức Freedom House xếp hạng Nam Triều Tiên là một nước chỉ “tự do một phần” vì kiểm duyệt báo chí gay gắt.
Và vào năm 2012 tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế kêu gọi chính phủ Nam Triều Tiên giảm nhẹ hay thu hồi luật an ninh quốc gia sau khi tổ chức này thu thập tài liệu về những vụ quan trọng và ngày càng nhiều mà tổ chức nói có liên quan đến việc chính phủ sử dụng luật trong một “ý đồ có động cơ chính trị nhằm dập tắt các cuộc tranh luận.”