Cách đây gần 1 năm, các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ đã bay trên bầu trời Iraq để thực hiện những vụ không kích đầu tiên nhắm vào nhóm khủng bố gọi là Nhà nước Hồi giáo. Kể từ khi đó, Hoa Kỳ đã tàng cường thêm các cuộc tấn công, và giới lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo đã đáp lại, khiến thế giới tử hỏi liệu có bên nào thắng hay không. Thông tín viên VOA Jeff Seldin ghi nhận chi tiết.
Chỉ mới cách đây một năm, lời kêu cứu đã vang lên. Một phụ nữ người Kurd tên là Shiren Suleiman bị thất tán từ Sinjar kể rằng những người trong gia đình bà đã bị thương, đàn bà và trẻ em, và bị đói khát.
Những lời than van, kèm với hình ảnh cuộc tiến công nhanh chóng của Nhà nước Hồi giáo ở khắp Iraq, đã khiến Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phải đáp lại:
“Tôi đã chỉ thị cho quân đội thực hiện những vụ tấn công có mục tiêu nhắm vào các đoàn công-voa của quân khủng bố ISIL.”
Kể từ tháng 8 năm 2014, đã có hơn 5.900 vụ không kích của liên minh nhắm vào Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, đánh trúng hơn 8.700 mục tiêu.
Hoa Kỳ đã được sự trợ giúp của lực lượng trên bộ - nổi bất là chiến binh người Kurd ở miền bắc, và lực lượng Iraq, một số tận dụng sự huấn luyện bổ túc của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các chiến binh Hồi giáo đã không chùn bước. Bị đẩy lui ở nhiều nơi tại Iraq, họ đã bành trướng ra những nơi khác.
Tổng thống Barack Obama tuyên bố: “Cũng như mọi nỗ lực quân sự, sẽ có những thời kỳ tiến bộ nhưng cũng có một số trở ngại, như ta đa thấy với những thắng lợi của ISIL ở Ramadi tại Iraq và trung nam bộ Syria.”
Những người khác cho rằng sách lược có khuyết điểm, tỷ như ông Christopher Harmer thuộc Học viện Chiến tranh:
“Máy bay của chúng ta có thể nhắm trúng bất cứ nơi nào ở Syria hay Iraq trong một chu kỳ tương đối ngắn nhưng thực ra chúng ta không làm gì để hạn chế sự tăng trưởng của Nhà nước Hồi giáo của Iraq và al-Sham.
Các giới chức Hoa Kỳ cho hay các vụ không kích đã gây thiệt mạng hoặc gây thương tích cho khoảng 15.000 phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, nhưng nói thêm rằng nhóm nay có thể quy tụ tới 30.000 chiến binh được tăng cường bởi luồng chiến binh liên tục đổ từ nước ngoài vào.
Ông Davd Gartenstein, thuộc Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ nêu nhận xét:
“Về mặt khái niệm, tôi nghĩ Nhà nước Hồi giáo đã ngự trị chiến trường cụ thể này cho đến giờ này. Họ có một bộ máy tuyên truyền nhắm nêu bật những thắng lợi đó và để giảm thiểu tối đa những thất bại.”
Tuy nhiên, vẫn có một số người tin rằng việc tôn thờ bạo lực của Nhà nước Hồi giáo đang bắt đầu có tác động dội ngược.
Giáo sư Max Abrahms của trường Đại học Northwestern nói với đài VOA qua Skype:
“Những hình ảnh này mặc dù mang tính cách hung hãn, thực ra lại phản tác dụng đối với tổ chức bởi vì chúng sẽ làm cạn cái hồ chứa tân binh đầy tiềm năng và đó chính là điều chúng ta đang chứng kiến.”
Tại một trại dựng tạm bên ngoài thành phố Irbil của Iraq, những thay đổi như thế diễn ra rất mau chóng.
Một phụ nữ bị thất tán từ Mosul nói”
“Chỉ có trẻ em là sung sướng bởi vì chúng không hiểu gì hết.”
Một năm sau những vụ không kích đầu tiên, Iraq, Hoa Kỳ và các đồng minh vẫn còn chật vật tìm cách đẩy lui Nhà nước Hồi giáo, và một số giới chức cảnh báo rằng còn nhiều năm nữa mới đi đến chiến thắng.