Chúng ta không thể trông đợi các công ty Mỹ sẽ đầu tư hàng triệu đôla để biên soạn phần mềm mới nếu biết rằng các phần mềm này sẽ bị đánh cắp hoặc làm giả ngay trong ngày hôm sau...John Morton, director of ICE
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng ông Trương Lệ, 36 tuổi ở Thành Đô, Trung Quốc điều hành một trang mạng để phân phối các phần mềm sao chép lậu.
Theo hồ sơ tòa án, trang mạng của ông này, www.Crack99.com, quảng cáo hàng ngàn tựa đề phần mềm đánh cắp và bán dưới giá thị trường rất xa cho khách hàng ở Hoa Kỳ và 60 quốc gia khác.
Trang mạng của ông có từ "cracked", bẻ khóa, có nghĩa là khi các tập tin bằng kỹ thuật số được cấp giấy phép và các biện pháp kiểm soát cách tiếp cận đã bị tháo bỏ hoặc vô hiệu hóa.
Ông John Morton, một giới chức của cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ hôm thứ Ba nói về vụ này:
“Đây thuần túy và đơn giản là một tội phạm có tổ chức. Tin tặc đã đánh cắp phần mềm tinh vi của Mỹ theo nghĩa đen, bẻ khóa và bán ra thị trường thông qua những người trung gian như ông Trương. Qua quy trình này, việc làm, tài sáng tạo và công nghệ nhạy cảm của Mỹ bị thua thiệt. Chuyện này tác hại thực sự cho nước Mỹ.”
Các giới chức Mỹ nói rằng ông Trương bán khoảng 550 loại phần mềm cho ít nhất 325 khách hàng. Số sản phẩm này thuộc về 200 nhà sản xuất khác nhau, thuộc các ngành quốc phòng, xây dựng, thám hiểm không gian và sản xuất. Đa số phần mềm này là những mặt hàng có giá trị thương mại cao, có khi bán ra với giá trên 100.000 đôla.
Hơn một phần ba sản phẩm sao chép lậu được bán cho những người tại Hoa Kỳ, trong đó có những doanh nghiệp nhỏ, các nhà thầu cho chính phủ, sinh viên, các nhà phát minh, và kỹ sư.
Một số khách hàng quan trọng người Mỹ của ông Trương đã giữ những chức vụ quan trọng tại các cơ quan hoặc nhà thầu cho chính phủ Mỹ.
Ví dụ, ông Trương đã bán phần mềm hơn 1,2 triệu đôla cho ông Cosburn Wedderburn, lúc bấy giờ là một kỹ sư cho NASA tại tiểu bang Maryland.
Ông Wedderburn cũng nhận tội tiếp tay vi phạm tác quyền và đang chờ nhận bản án.
Ông Morton của cơ quan Di trú và Hải quan cho biết:
“Những người biên soạn phần mềm cao cấp trông cậy vào chuyện bảo vệ tài sản trí tuệ. Sự phát minh tùy thuộc vào chuyện mọi người tuân thủ luật chơi. Chúng ta không thể trông đợi các công ty Mỹ sẽ đầu tư hàng triệu đôla để biên soạn phần mềm mới nếu biết rằng các phần mềm này sẽ bị đánh cắp hoặc làm giả ngay trong ngày hôm sau.”
Trong năm 2010 và 2011, nhân viên chìm của bộ Nội an Hoa Kỳ đã mua phần mềm sao lậu của trang mạng ông Trương.
Tháng 6 năm 2011, ông Trương chịu đi đến đảo Saipan ở Thái Bình Dương, một vùng lãnh thổ của Mỹ, để giao phần mềm sao lậu cho các nhân viên chìm, giả dạng là doanh nhân Mỹ. Ngay lập tức, họ đã bắt ông Trương mang về giam ở đất liền.
Ông ta sẽ đối mặt với mức án 25 năm tù và khoản tiền phạt 250.000 đôla. Bản án sẽ tuyên vào ngày 3 tháng 5.