Đây là bộ phim về nhân vật lịch sử, Người khai sáng triều đại nhà Lý cách đây nghìn năm: Lý Công Uẩn. Bộ phim mang tên Đường tới thành Thăng Long gồm 19 tập và được coi là công trình sáng tạo văn hóa nghệ thuật chủ yếu nhất trong Đại lễ Nghìn năm Thăng Long.
Chi phí cho bộ phim sơ sơ ước tính là 200 tỷ Đồng Việt Nam, tương đương với chừng 10 triệu đôla, một kỷ lục mà nền điện ảnh trong nước chưa từng mơ ước.
Bộ phim được chuẩn bị rất kỹ, từng bước, suốt 8 năm nay, từ kịch bản, kết cấu, sưu tầm lịch sử, nhân vật, đạo diễn, diễn viên, diễn xuất, trang phục, hậu cảnh, ngôn ngữ…đều mang yêu cầu cao nhất, Nghìn năm một thuở mà !
Đã có một lời báo trước: bộ phim lịch sử chưa từng có này sẽ là cái «đinh vàng» của Đại lễ hội Thăng Long. Bộ phim sẽ được in thật đẹp ra vài trăm bộ trình chiếu từ đầu tháng 10 - 2010 tại khắp các thành thị và nông thôn trong cả nước, và ngay sau đó sẽ giới thiệu với toàn thế giới. Ghê chưa!
Theo nghị quyết của Bộ chính trị, quyết định của nhà nước và Bộ văn hóa, các công trình kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long phải biểu lộ rõ tinh thần tự lực tự cường của dân tộc, ý chí gìn giữ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, ca ngợi hào khí Thăng Long, trau dồi lòng yêu nước, tình đoàn kết thống nhất dân tộc, động viên nhân dân cả nước xây dựng đất nước phát triển bền vững, xã hội dân chủ, bình đẳng, văn minh. Nghe thật hay!
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là bước vào ngày kỷ niệm. Vẫn còn lập lờ, nhập nhằng không rõ là sẽ khai mạc ngày 1-10-2010 – ngày Quốc khánh Trung Quốc -, hay ngày 10-10 -2010, cứ như đánh đố thiên hạ, chơi trò ú tim với nhân dân.
Nước đến chân rồi, nhưng bộ phim lịch sử đang bị tắc nghẽn. Sau khi chiếu để một nhóm các quan chức duyệt một lần cuối đầu tháng 9 mới đây, đã có quyết định là sửa sang lại gấp nhiều chi tiết, nhiều đoạn, nhiều cảnh…để nhân dân có thể tiếp nhận thuận lợi bộ phim lịch sử này.
Thế nhưng đã có nhiều tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt, phê phán nghiêm khắc, bác bỏ cả gói bộ phim này. Mà những tiếng nói này không có gì là quá khích, quá đáng cả. Đó là những tiếng nói có nghĩa lý, đàng hoàng, của những người mang niềm tự hào dân tộc chính đáng, biết tự trọng, có trách nhiệm với nhân dân, với lịch sử.
Có nhận định cuốn phim lịch sử này đã sai từ gốc. Tại sao nền điện ảnh dân tộc có hơn nửa thế kỷ trưởng thành lại không tự lực chung sức làm nổi một bộ phim thuần chất Việt Nam?
Tại sao lại phải «thuê» đạo diễn nước ngoài, thực tế là để họ dành quyền đạo diễn, từ đó sửa cả kịch bản của người Việt ta. Tại sao không qyay phim ta trên đất ta, cảnh quê ta, có cây đa, giếng nước ta, đền chùa ta, lại phải thuê trường quay, phông màn, trang phục do người Trung quốc tạo nên, với những cận cảnh, viễn cảnh, phong cảnh đều là Trung Hoa hết? Tại sao không quay trên đất ta, với quần chúng người Việt ta, lại phải dùng hàng ngàn người Tàu già trẻ lớn bé, nói tiếng Tàu, chưa biết Việt Nam là gì, để đóng giả làm người Việt? Có người gọi đây là phim Tàu nói tiếng Việt!
Đây mới chính là vấn đề cốt lõi. Bộ phim không mảy may mang hồn dân tộc. Nó không mảy may gợi lên hồn thiêng sông núi ta. Nó là bộ phim mất hồn, mang tinh thần lạc lõng, đơn côi, mang tinh thần mất nước và bán nước. không mảy may truyền cảm.
Hơn nữa, bộ phim này là một bộ phim xấu, rất xấu, rất phản tác dụng, chỉ gây tủi hổ, phẫn nộ của mọi người yêu nước. Có thể nói đây là một bộ phim xấu xa, đen tối, khiêu khích lương tri dân tộc, bôi bác tổ tiên ông cha ta, bôi bác xúc phạm những nhân vật lịch sử như Lý Công Uẩn. Trong nước đã có lời châm biếm, nên sửa tên bộ phim là: “Đường bán thành Thăng Long”.
Bộ phim này là “thành công” vượt trội không ngờ của những thế lực đen tối do nhiều động cơ khác nhau, đã mất hết tinh thần tự trọng của dân tộc, cố tình bán mình cho quỹ dữ bành trướng, chui vào cái bẫy độc hại ranh ma của chúng, nhằm phá hoại tận gốc Đại lễ hội Ngàn năm Thăng Long, biến ngàn năm quật khởi tự hào thành ngàn năm phụ thuộc, tôi đòi, khuất phục.
Đây là một bộ phim tệ hại, xấu xa, phản động, nhục nhã, không có cách gì sửa chữa, chắp vá, hàn gắn được. Đem ra trình chiếu trước nhân dân, chắc chắn sẽ bị phê phán, bác bỏ, biến cái đinh vàng của lễ hội thành cái đinh rỉ ô nhục ngàn đời không xóa bỏ được.
Đã có nhiều lời cảnh tỉnh: nên bỏ đi, nên hủy đi, nhân dân không ai nuốt được món này đâu, sẽ chuốc lấy búa rìu dư luận đó, nhưng nhà cầm quyền độc đoán vốn coi khinh dân, vẫn tự tin lao tới, bất chấp …
Để thận trọng, Bộ văn hóa hãy trước hết mời toàn Ban chấp hành trung ương đảng, toàn thể đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xem cho kỹ bộ phim này, rồi chiếu hôm khai mạc kỳ họp Quốc hội sắp tới, để xem quý vị quan chức và chức sắc có nuốt nổi ngon lành được không.
Sau đó, hãy lấy thật đầy đủ ý kiến nhận xét, rồi để các báo, các trí thức, nhà văn hóa, nghệ thuật phê bình, tranh luận, góp ý kiến, sẽ rút ra được nhiều ý kiến sâu sắc và bổ ích.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.