Đường dẫn truy cập

Mosul sẽ được giải phóng, nhưng tương lai sẽ ra sao?


Lực lượng an ninh Iraq tiến về Qayara, phía nam Mosul, để chiến đấu chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Mosul, Iraq, 18/10/2016.
Lực lượng an ninh Iraq tiến về Qayara, phía nam Mosul, để chiến đấu chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Mosul, Iraq, 18/10/2016.

Khoảng 30.000 binh sĩ chính phủ và 4.000 chiến binh Peshmerga của người Kurd tham gia cuộc hành quân tái chiếm Mosul, thành phố lớn thứ nhì của Iraq, từ tay của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Quân đội Mỹ hỗ trợ sứ mạng này trong vai trò cố vấn, huấn luyện và yểm trợ không lực. Các nhà phân tích cũng như các chính trị gia không nghi ngờ gì rằng chiến dịch quân sự này sẽ thành công trong việc giải phóng Mosul. Nhưng theo tường trình của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, một số người bày tỏ lo ngại về tương lai của thành phố Mosul, tại Iraq, một đất nước đang bị chia rẽ trầm trọng.

Tổng thống vùng Kurdistan ở Iraq, ông Massoud Barzani, nói rằng phối hợp tác chiến trong chiến dịch quân sự này là một dấu hiệu tích cực:

"Đây là lần đầu tiên các lực lượng Peshmerga và quân đội Iraq phối hợp tác chiến và chia sẻ thông tin trên chiến trường chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Chúng tôi hy vọng đây là sự khởi đầu cho các quan hệ hợp tác giữa hai bên trong tương lai."

Người Hồi giáo Shia là thành phần chiếm đa số trong chính phủ và quân đội Iraq. Thủ tướng Haider al-Abadi từng tuyên bố sẽ không dung thứ tình trạng chia rẽ giáo phái và sắc tộc. Nhưng tin tức được loan truyền nói rằng một số người Kurd muốn những vùng lãnh thổ mà các lực lượng Peshmerga chiếm được sẽ trở thành lãnh thổ Kurdistan, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ -- nước huấn luyện người địa phương theo Hồi giáo Sunni, muốn thành phần này nắm quyền kiểm soát thành phố Mosul.

Nhà phân tích Trevor Thrall thuộc Viện nghiên cứu CATO ở Washington nói với VOA rằng mang lại hoà bình cho Mosul sau khi tái chiếm thành phố này mới là cuộc chiến gay go nhất:

"Tái chiếm thành phố là một việc. Câu hỏi lớn nhất ở đây là mang lại hòa bình. Theo tôi, nếu Hoa Kỳ không có kế hoạch cho hoà bình, thì chính phủ Iraq cũng chẳng có kế hoạch đó. Theo tôi, mối nguy thực sự ở Mosul đối với Mỹ là phải phá vỡ bế tắc bằng việc mang lại hòa bình, bởi vì Mỹ đã ở Iraq đến nay là 12 hay 13 năm rồi, và vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho vấn đề này."

Liên hiệp quốc bày tỏ lo ngại cho thường dân ở Mosul.

Bà Lise Grande là điều phối viên của cơ quan nhân đạo Liên hiệp quốc về Iraq:

"Chúng tôi hiểu rằng Nhà nước Hồi giáo đã gài bẫy bom mìn ở khắp nơi trong thành phố. Chúng tôi biết có nhiều rủi ro liên quan tới chất nổ bị cài đặt khắp nơi. Chúng tôi cũng lo sợ về mối nguy do những tay súng bắn tỉa gây ra."

Hiện chưa rõ thường dân có thoát được bom đạn ở Mosul hay không. Và nếu có, liệu họ có tìm được chỗ trú thân hay không. Một mối lo khác là các phần tử thánh chiến có thể dùng thường dân làm bia đỡ đạn và để mở đường thoát ra khỏi thành phố. Các giới chức Mỹ nói rằng bất cứ người nào rời khỏi Mosul cũng bị kiểm tra an ninh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói:

"Theo kế hoạch chung, các lực lượng Iraq và người Kurd cùng với các cơ quan dân sự, kể cả Bộ Di trú và Tản cư và Bộ Thông tin, sẽ rà soát, kiểm tra an ninh, rồi sẽ đăng ký và di chuyển thường dân từ địa điểm kiểm tra đến những nơi tạm cư."

Nhà nước Hồi giáo đã chiếm quyền kiểm soát thành phố Mosul từ tháng 6 năm 2014. Để mất cứ địa quan trọng cuối cùng này ở Iraq, tàn quân Nhà nước Hồi giáo có thể sẽ buộc phải rút sang Syria.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG