Công ty tài chính Moody's hôm 5/12 hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối lo ngại toàn cầu ngày càng gia tăng về tác động từ nợ nần của chính quyền địa phương tăng cao và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Reuters.
Moody's nói trong một tuyên bố rằng việc hạ bậc này phản ánh bằng chứng ngày càng tăng về việc các cơ quan quản lý sẽ phải cung cấp nhiều trợ giúp tài chính hơn cho các chính quyền địa phương và các công ty nhà nước đang chịu gánh nặng nợ nần, gây ra rủi ro lớn đối với sức mạnh tài chính, kinh tế và thể chế của Trung Quốc.
Moody's đưa ra quan điểm: “Sự đánh giá về triển vọng có thay đổi như vậy cũng phản ánh những rủi ro gia tăng liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung hạn thấp hơn một cách liên tục và mang tính cơ cấu, cũng như tình trạng lĩnh vực bất động sản ngày càng thu hẹp quy mô”.
Chi phí bảo hiểm nợ chính phủ của Trung Quốc trước nguy cơ vỡ nợ đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11.
Ông Ken Cheung, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối châu Á thuộc Ngân hàng Mizuho ở Hong Kong, nhận xét: “Bây giờ các thị trường đang quan tâm nhiều hơn đến cuộc khủng hoảng bất động sản và mức tăng trưởng yếu, chứ không phải là rủi ro nợ công trước mắt”.
Động thái này của Moody's là sự thay đổi đầu tiên trong việc đánh giá về Trung Quốc kể từ khi tổ chức này đã giảm mức xếp hạng một bậc, xuống mức A1 vào năm 2017, đồng thời viện dẫn những dự báo về tăng trưởng chậm lại và nợ gia tăng.
Hôm 5/12, trong khi Moody's khẳng định vẫn xếp hạng A1 đối với đối với cơ quan phát hành nội và ngoại tệ trong dài hạn của Trung Quốc, tổ chức này cho biết dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của nước này sẽ giảm xuống 4,0% vào năm 2024 và 2025, và giữ mức trung bình 3,8% trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Việc Moody’s hạ mức đánh giá diễn ra trước Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hàng năm, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12, với các cố vấn chính phủ kêu gọi mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2024 và nhiều biện pháp kích thích hơn.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay họ thất vọng trước quyết định của Moody’s, đồng thời nói rằng nền kinh tế nước này sẽ duy trì xu hướng phục hồi và phát triển dương. Bộ cũng cho rằng các rủi ro về bất động sản và ở cấp chính quyền địa phương đều có thể kiểm soát được.
Bộ nói: “Những lo ngại của Moody’s về triển vọng tăng trưởng kinh tế, tính bền vững tài chính và các khía cạnh khác của Trung Quốc là không cần thiết”.
Hầu hết các nhà phân tích tin rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu khoảng 5% được chính phủ đặt ra cho năm nay, nhưng con số này không ấn tượng vì nó tăng lên từ năm 2022 vốn đã bị suy yếu do đại dịch, và hoạt động của nền kinh tế rất không đồng đều.
Diễn đàn