Cũng gần một năm rồi tôi mới có dịp trở lại thành phố này. Một thành phố cổ kính. Riêng biệt. Nhưng cũng rất lạnh. Rất rất lạnh.
Hôm tôi đến trời bên ngoài xuống chắc chỉ còn khoảng chừng âm 10 – 15 độ C nên lạnh…thấu xương. Nhất là khi gặp phải một cơn gió lạnh (và mạnh) lùa vào người từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài tưởng chừng như không còn chổ nào mà nó không lọt vào được. Đến lúc ấy tôi nghĩ tôi mới thật sự thấm hiểu câu nói ‘wind chill’ trong tiếng Anh mà nếu tôi chỉ dịch ra là ‘gió lạnh’ thì nó không nói lên rõ vấn đề và thực trạng.
Nhưng nếu như tôi chỉ nhắc đến mùa đông và gió lạnh khi nói về Montreal thì có lẽ tôi cũng không công bằng cho lắm. Vì Montreal là một trong những thành phố lớn và có nhiều nét riêng biệt nhất ở Canada.
Có thể nó không lớn và nhộn nhịp bằng thành phố Toronto thuộc tỉnh bang Ontario nằm ở miền đông nam của nước. Nhưng nếu các bạn có dịp đến đây chắc chắn các bạn cũng đồng ý với tôi là nó rất khác lạ và cũng rất đặc biệt nếu so sánh với tất cả các thành phố khác như Edmonton, Vancouver, Calgary, v.v.
Điều đầu tiên phải nhắc đến là ngôn ngữ. Vì Montreal thuộc tỉnh bang Quebec mà tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ nhất và chính thức trên toàn tỉnh bang nên vừa đặt chân đến phi trường là bạn sẽ thấy nó khác liền. Nhìn lên các bảng chỉ dẫn thì tiếng Pháp luôn được đặt lên hàng đầu trước tiếng Anh. Và mở miệng ra nói chuyện với ai thì cũng nghe họ có giọng nói tiếng Anh nghe hơi lơ lớ không chuẩn 100% của người…Pháp.
À. Vì đây không phải là xứ sở của người Anh!
Chắc có lẽ ít có ai ở bên ngoài nước Canada biết rằng vào giữa thập niên 1990s, suýt một lần tỉnh bang Quebec đã ly khai ra khỏi nước Canada để trở thành tự trị. Trong lần trưng cầu dân ý vào năm 1995, tỷ lệ giữa bên thắng (chọn tiếp tục nằm trong hệ thống liên bang) và thua (chọn ly khai để tự trị như một quốc gia riêng biệt) là 50.58% và 49.42%.
Một kết quả có thể nói là rất gần nhưng tự nó cũng đã nói lên rất nhiều về việc thực thi cũng như đặc biệt tôn trọng hai chữ Dân chủ.
Cũng có thể vì thế mà hầu như đối với đa số người dân ở Montreal mà tôi đã từng gặp qua, họ đều cho rằng trước tiên họ là người Quebec. Sau đó họ mới cho họ là người Canada.
Cái lạ là ở chỗ đó. Các bạn thử tưởng tượng xem nếu như ở Việt Nam, dân tộc Chăm từ trước đến nay vẫn được cho ở riêng, sinh hoạt riêng, thành lập chính phủ tỉnh bang Chăm riêng và luôn có quyền được ly khai nếu muốn thì có bao nhiêu người Việt Nam nghĩ đấy là một vấn đề có thể chấp nhận được?
Thế mà từ trước đến nay nước Canada và người dân Canada vẫn làm được. Họ vẫn có thể tôn trọng sự khác biệt của mỗi giống dân đến từ những nguồn gốc khác nhau và cùng nhau nương tựa để phát triển. Và nếu một ngày nào đó họ quyết định chia tay đường ai nấy đi thì điều đó cũng…OK.
Tôi thấy cái hay nó nằm ở chỗ đó.
Nhìn chung thành phố Montreal mang nhiều ảnh hưởng của Châu Âu hơn là Châu Mỹ. Các hàng quán café, shop quần áo thời trang, nhà hàng nhan nhản khắp nơi nhất là khu vực downtown gần bến cảng. Nó cũng nho nhỏ nằm san sát nhau trên các khu phố không quá to lớn như ở Mỹ.
Về hình dáng và thái độ bên ngoài tôi cũng nhận thấy người Montreal trông cũng có vẻ ‘tây’ hơn: đàn ông thì chịu diện, ăn mặc mốt hơn và đàn bà thì chịu chơi, hút thuốc nhiều hơn. Kể cả ở những nơi công cộng hoặc bên trong phòng kín.
Có thể vì từ nhỏ đến lớn không biết hút thuốc nên tôi không thể nào chia sẻ cảm giác say sưa lãng mạn bên điếu thuốc và một ly cà phê đen trong một buổi sáng tuyết rơi trắng bên ngoài khung cửa sổ. Nhưng chỉ cần nhìn thấy hình ảnh đấy một lần duy nhất trong lần ghé sang Montreal vừa qua, tôi đã cảm nhận được đôi chút cái thú hưởng thụ của dân tây mà trong văn hóa của người Anh, Mỹ, Úc ít khi tìm thấy. Nhịp sống trông có vẻ hơi chậm hơn. Người dân trông có vẻ thích hưởng thụ hơn. Và vì thế cuộc sống trông có vẽ lãng mạn hơn.
Cũng có thể là tôi đang nghĩ vớ va vớ vẩn không đâu vào đâu. Nhưng đấy là một trong rất nhiều điều khác lạ mà tôi đã nhận thấy giữa các thành phố khác ở Canada và Montreal.
Thật không biết có ai muốn bổ sung về nhận xét này của tôi không?