Việt Nam đã gửi hơn 111.500 lao động đi nước ngoài chỉ trong 9 tháng đầu năm, vượt mục tiêu cho cả năm 2023, trang mạng Dân trí dẫn số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.
Con số này tương đương 101,37% mục tiêu kế hoạch mà nước này đặt ra cho năm 2023 là 110.000 lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ này dẫn số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho biết.
Đây là số lao động được các công ty môi giới đưa đi theo con đường chính thức có hợp đồng đàng hoàng, tức là chưa tính số lao động chui từ những người đi du học hay du lịch ở lại nước ngoài làm việc.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng trên 8%. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 103 ngàn lao động đi nước ngoài, cũng theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước được Dân trí dẫn lại.
Các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đông nhất theo thứ tự là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hungary, Singapore và Malaysia.
Trong 9 tháng đầu năm Nhật Bản đã tiếp nhận gần 55.700 lao động Việt Nam, trong đó có gần 24.000 lao động nữ, còn Đài Loan và Hàn Quốc lần lượt tiếp nhận trên 46.000 và 2.450 người.
Theo trang vneconomy, Việt Nam có hơn 200.000 thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm gần một nửa tổng số thực tập sinh nước ngoài ở nước này, đứng đầu trong 15 nước cử thực tập sinh sang Nhật cả về số lượng hàng năm và số lượng tuyệt đối.
Xuất khẩu lao động lâu nay vẫn được xem là con đường đổi đời của nhiều người dân Việt Nam, nhất là dân nghèo ở các vùng nông thôn. Họ thường phải vay mượn số tiền lớn trả cho công ty môi giới để được đi xuất khẩu lao động nhưng chỉ sau một thời gian làm việc họ có thể trả nợ và còn tích lũy để gửi về cho gia đình ở Việt Nam.
Lao động Việt thích đi Nhật vì điều kiện làm việc tốt, đồng lương hấp dẫn và nước này luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động cấp thấp. Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc là ba thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang vươn lên thành một nước có sức hút đối với lao động Việt Nam. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy trong 9 tháng đầu năm, đã có trên 1.361 lao động Việt Nam sang làm việc ở Trung Quốc.
Cơ quan này cho biết họ sẽ tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu lao động mới, ưu tiên các thị trường có thu nhập tốt, việc làm ổn định, nhất là các nước châu Âu, theo trang mạng vneconomy.
Diễn đàn