Nhà tương lai học John Naisbitt của Mỹ và bà vợ Doris đã lập Viện Nghiên cứu Naisbitt trong tỉnh Thiên Tân năm 2006.
Nhân viên trong viện được yêu cầu theo dõi các cơ quan truyền thông của Trung Quốc. Hai ông bà dùng các dữ liệu thu thập để soạn thành sách, xuất bản ở cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.
Theo ông Naisbitt, sở dĩ Trung Quốc bây giờ khác hẳn 40 năm trước đây vì xã hội mới của Trung Quốc được dựa trên những “cột trụ” và một trong những cột trụ là “sự tiến hóa của tư duy”.
Kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình áp dụng những cải cách vào thập niên 1980, Trung Quốc đã chuyển từ cộng sản chủ nghĩa sang một dạng của tư bản chủ nghĩa.
Bà Naisbitt nhận xét: “Ông Đặng Tiểu Bình hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản không phục vụ được nhân dân, lâp kế hoạch từ trung ương không đưa Trung Quốc thoát được nghèo khổ, cần phải chuyển sang kinh tế thị trường để nhân dân có cơ hội làm những gì họ thành thạo, và để kinh tế Trung Quốc có thể phát triển.”
Ông Naisbitt nhận định rằng Trung Quốc đã qua nhiều trải nghiệm kinh tế.
Ông nói: “Họ thử đủ mọi thứ: miễn thuế một thời gian, cho cạnh tranh thương mại hay đại loại như vậy để xem có thành công hay không. Những gì thành công họ sẽ tiếp tục, những cái khác họ gạt qua một bên và cứ thế mà tiến bước.”
Trung Quốc ngày nay đã chuyển từ bắt chước sang sáng tạo, cùng lúc tiến vào công nghệ sinh học, máy tính và xe chạy bằng điện.
Ông Naisbitt cho biết:“Ông Vương Chấn Phủ, Chủ Tịch tập đoàn BYD chế tạo xe chạy điện đã từng nói nếu cạnh tranh với Mỹ hoặc Tây Âu về các loại xe chạy bằng xăng thì Trung Quốc sẽ thua, nhưng nếu cạnh tranh về xe chạy điện, mọi người đều ở mức khởi hành.”
Bà Naisbitt cho rằng Trung Quốc đã tạo cho mình một hệ thống chính trị riêng.
Bà nhận xét: “Chúng tôi gọi đây là ‘Dân chủ theo hàng dọc’ bởi vì nó cơ cấu từ dưới lên và từ trên xuống, các chỉ thỉ đi từ trên xuống và các sáng kiến đi từ dưới lên. Qua thời gian đảng Cộng sản Trung Quốc phải giã từ cái tên Cộng sản bởi vì nó không phản ánh thực tế.”
Các thế hệ trẻ Trung Quốc hưởng nhiều tự do hơn thế hệ cha anh, mặc dù Trung Quốc vẫn bị chỉ trích kiểm soát chặt chẽ tôn giáo, hệ thống pháp lý, quyền tự do ngôn luận và báo chí, và truy cập Internet.
Nhưng các giới hạn này không làm Bắc Kinh chậm lại trên đường tiến vào thị trường thế giới. Từ 30 năm qua, GDP tăng trưởng trung bình 10% một năm và Trung Quốc đang trên đà trở thành nền kinh tế mạnh thứ nhì thế giới.
Thế giới phải làm gì trước thực tế đó?
Ông Naisbitt khuyên: “Thế giới nên xem Trung Quốc là một cơ hội, không là một mối đe dọa. Phải vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Trung Quốc. Hãy chọn các phương cách để làm chuyện đó, nhưng hãy nắm lấy cơ hội mà Trung Quốc phơi bày trước toàn thế giới.”
Cả hai ông bà đều tin tưởng Trung Quốc tiếp tục trưởng thành và phát triển trong lúc nước này ngày càng đóng vai trò năng động hơn trong cộng đồng thế giới.