Miễn dịch bầy đàn (herd immunity, hay miễn dịch cộng đồng, community immunity) là tình trạng đạt được khi một tỷ lệ cao của các cá nhân trong cộng đồng được miễn dịch, nghĩa là cơ thể họ được che chở không bị mắc một bệnh nào đó, nhờ họ đã từng được tiêm chủng hay là họ đã từng mắc bệnh (một hay nhiều lần) trước đó, làm cho việc lây lan bệnh này từ người này sang người khác khó xảy ra.
Ngay cả những người không miễn nhiễm vì không được tiêm chủng hay chưa từng mắc bệnh, và người mà khả năng đề kháng bị suy giảm (suy giảm miễn dịch) cũng được hưởng một mức độ bảo vệ vì căn bệnh đó có rất ít cơ hội lây lan một khi cộng đồng đã đạt mức miễn dịch bầy đàn (herd immunity threshold).
Khả năng miễn dịch bầy đàn bảo vệ những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong dân số của chúng ta. Nếu đủ số người được chủng ngừa các bệnh nguy hiểm, những người có thể mắc bệnh nhưng không thể chủng ngừa cũng sẽ được bảo vệ vì vi trùng hay virus sẽ không thể "tìm ra được ” những người có khả năng bị lây bệnh đó.
Người ta tính toán khả năng miễn dịch bầy đàn bằng cách tính toán các nhóm tuổi và mức độ hoạt động xã hội khác nhau trong một quần thể và những điều đó ảnh hưởng như thế nào đến tính nhạy cảm của một người với virus. Một người mắc bệnh Covid-19 trung bình sẽ truyền virus cho 2,5 người. Theo định nghĩa miễn dịch bầy đàn là thời điểm mà khả năng miễn dịch trong quần thể đạt đến mức độ lây lan của dịch bệnh suy giảm, ngay cả khi các biện pháp phòng ngừa đã được nới lỏng. Nếu các biện pháp phòng ngừa được nới lỏng và không có miễn dịch bầy đàn, một đợt lây nhiễm thứ hai (second wave of infections) có thể xảy ra như đang xảy ra hiện nay tại các nước như Hàn Quốc, Đức, Singapore.
Fig 1: Người được miễn nhiễm (do chích ngừa, màu vàng) càng đông thì mầm bệnh từ bệnh nhân truyền nhiễm (màu đỏ) sẽ bớt lây lan qua những người mạnh khỏe nhưng không miễn nhiễm (màu xanh). Đến lúc đạt được mức tối thiểu (herd immunity threshold), mầm bệnh từ các bệnh nhân không còn lây lan qua các người không miễn nhiễm nữa và cơn dịch bị ngăn chặn (Nguồn hình ảnh: wikipedia).
Trong trận chiến chống dịch COVID-19 hiện nay, chúng ta chưa có vắc xin được chấp thuận là hữu hiệu, và muốn trở thành miễn dịch đối với bệnh này cho nến nay cách duy nhất là phải bị nhiễm siêu vi corona ít lắm một lần.
Theo báo Washington Post, một trong những cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Trump đang thúc giục Tòa Bạch Ốc (Nhà Trắng) áp dụng chiến lược "miễn dịch bầy đàn" đang gây tranh cãi để chống lại đại dịch, điều này sẽ dẫn đến việc cho phép vi rút coronavirus lây lan qua hầu hết dân số để nhanh chóng xây dựng sức đề kháng với virus đồng thời thực hiện các bước để bảo vệ những người trong viện dưỡng lão và những người dễ bị tổn thương khác, theo năm người quen thuộc với các cuộc thảo luận. Cách tiếp cận này gây lo ngại từ các chuyên gia trong và ngoài chính phủ, những người lưu ý rằng chiến lược miễn trừ bầy đàn có thể dẫn đến việc hàng trăm nghìn, nếu không phải hàng triệu người Mỹ phải mất mạng. Tuy nhiên, Toà Bạch Ốc không xác nhận chuyện này và tuyên bố chính phủ Mỹ vẫn đang cố gắng đánh bại dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc trị bệnh và thuốc chủng ngừa bệnh này.
Lúc mới đầu đại dịch, hồi tháng 3, 2020, chính phủ Anh cũng như chính phủ Hoà Lan cũng có ý định dùng chiến thuật "miễn nhiễm bầy đàn, để cho một số lượng lớn dân chúng mắc bệnh, nhưng với một nhịp độ được kiểm soát, để tạo nên một tình trạng miễn nhiễm phổ biến, không dùng biện pháp "khoá cửa cách ly" (lockdown). Tuy nhiên, với viễn tượng bệnh nhân chết hàng loạt và các ca nặng sẽ tràn ngập khu săn sóc đặt biệt của các bệnh viện, hai chính phủ này cũng phải chuyển hướng sang các biện pháp mạnh hơn như đóng cửa chợ búa, đóng cửa trường học, theo dõi, thử nghiệm và cô lập các cá nhân từng tiếp xúc với bệnh nhân (contact tracing).
Thụy Điển (Sweden) đã áp dụng chiến thuật tương tự để ứng phó với sự bùng phát của virus Covid-19, dựa vào việc dỡ bỏ các hạn chế để những người khỏe mạnh có thể xây dựng khả năng miễn dịch với bệnh thay vì hạn chế các tương tác xã hội và hoạt động kinh doanh để ngăn chặn vi rút khỏi lây lan. Thụy Điển đã bị các quan chức y tế công cộng và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chỉ trích nặng nề là thiếu thận trọng - tỷ lệ lây nhiễm và tử vong của đất nước này thuộc hàng cao nhất thế giới, và dù vậy, Thuỵ Điển cũng không thoát khỏi những vấn đề kinh tế trầm trọng do đại dịch gây ra. Nhưng cách tiếp cận của Thụy Điển đã nhận được sự ủng hộ của một số người bảo thủ, những người cho rằng những hạn chế về khoảng cách xã hội đang bóp chết nền kinh tế và xâm phạm quyền tự do của mọi người.
Nói tóm lại chuyện “miễn nhiễm bầy đàn” sẽ được nhắc đến nhiều trong những ngày tới do các biện pháp cách ly và các giới hạn hoạt động kinh tế đã kéo dài quá lâu đối với một số người.
Các chính phủ sẽ ngần ngại công nhận chính thức rằng mình đang áp dụng biện pháp tạo nên miễn nhiệm bầy đàn trong tình trạng hiện nay vì những lý do sau:
- Chúng ta chưa có thuốc chủng ngừa để tạo nên tình trạng miễn nhiễm trong quần chúng một cách nhân tạo.
- Tạo nên tình trạng miễn nhiễm bằng cách để cho virus lây nhiễm tự nhiên sẽ làm một số người có sức đề kháng kém chết hoặc bệnh nặng một ở mức không chấp nhận được.
- Chúng ta chưa có đủ dữ kiện khoa học để biết mức miễn nhiễm ở trong quần chúng cần thiết để tạo nên miễn nhiễm bầy đàn là bao nhiêu (herd immunity threshold); theo kiến thức về dịch bệnh hiện nay có thể miễn dịch bầy đàn hiện hữu ở mức “threshold” 20% dân chúng có sức để kháng là thấp nhất. Tuy nhiên theo nhiều nhà khoa học khác , cũng có thể cần đến mức 60-70% dân chúng được miễn nhiễm mới thực hiện được tình trạng miễn nhiễm tập thể cho cộng đồng. Hiện nay người ta ước tính chừng 5-10% dân số trên thế giới có kháng thể chống virus bệnh Covid-19. Muốn đạt tới mức threshold 65% ở Mỹ (dân số 328 triệu), có thể phải thêm hơn một triệu người chết nữa.
- Chúng ta chưa biết chắc chắn kháng thể ở những người từng bệnh Covid-19 có che chở cho họ khỏi mắc bệnh lại hay không và che chở tới mức nào, trong bao nhiêu lâu.
Ngay việc dùng huyết tương của người mới lành bệnh (convalescent plasma) để chữa bệnh cho người đang bệnh Covid-19 cũng còn đặt nhiều nghi vấn và FDA chỉ chấp nhận cho dùng với tính cách khẩn cấp mà thôi.
- Cho nên trong lúc chờ đợi một hoặc nhiều thuốc chủng ngừa chủng ngừa được thực hiện, chính sách của các chính phủ có vẻ như thiên về việc mở cửa kinh tế một cách thận trọng (hay ‘khoá cửa nhẹ nhàng”/ soft lockdown), giới hạn testing chung chung, contact tracing (xâm phạm vào tin tức riêng tư của cá nhân như đi đâu, làm gì, với ai) không xét nghiệm ở những người không có triệu chứng dù có tiếp xúc với người bệnh, nới lỏng các biện pháp cách ly và chấp nhận virus lây lan ở một mức nào đó trong đám quần chúng tương đối mạnh khỏe, đồng thời tiếp tục các biện pháp như giãn cách xã hội (social distancing) và mang mặt nạ, cũng như che chở cho những nhóm dân chúng có khả năng bị nguy hiểm hay tử vong như người già và những người có tính đề kháng suy yếu mặc dù sự ngăn cách giữa những nhóm thường mắc bệnh nhẹ (như trẻ em, thanh thiếu niên có thể mang virus bệnh Covid-19 mà không có triệu chứng nhưng vẫn lây cho người khác) và những nhóm nguy cơ cao (người già, người mắc bệnh "nền" /underlying condition) rất khó thực hiện.
Tham khảo:
1) Association of Professionals in Infection Control and Epidemiology.https://apic.org/monthly_alerts/herd-immunity/
4) https://www.webmd.com/lung/news/20200626/herd-immunity-threshold-could-be-as-low-as-43-percent
6) Theo CDC:
“Considerations for who should get tested
People who have symptoms of COVID-19
People who have had close contact (within 6 feet of an infected person for at least 15 minutes) with someone with confirmed COVID-19
People who have been asked or referred to get testing by their healthcare provider, local or state health department.”
“Not everyone needs to be tested. If you do get tested, you should self-quarantine/isolate at home pending test results and follow the advice of your health care provider or a public health professional.”https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/symptoms-testing/testing.html
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 3 tháng 9 năm 2020