Mới đây, giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh nhận được vô số lời khen là “nhân văn”, “mềm dẻo”, “gần gũi nhân dân” khi ông miễn kiểm tra nồng độ cồn đối với một người thợ nề say xỉn, nhưng cũng có không ít người chất vấn phải chăng ông đã “tùy tiện”, “coi thường luật pháp”, theo quan sát của VOA.
Nhiều báo, đài Việt Nam trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng và Dân Việt đưa tin rằng vào tối 15/1, thợ nề Nguyễn Văn Sử, 50 tuổi, có biểu hiện say xỉn và bị một tổ cảnh sát giao thông ở thành phố Hà Tĩnh kiểm tra. Cũng lúc này, đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, có mặt vì ông đang kiểm tra đột xuất tổ cảnh sát.
Ông Phong nghe thấy ông Sử trình bày với tổ cảnh sát rằng sau buổi làm việc đã được chủ nhà đãi một bữa nhậu và bị say. Thấy người thợ nề này “thật thà”, “chất phác”, “hiền lành”, vị giám đốc công an của tỉnh miền trung Việt Nam đã đề nghị cấp dưới không kiểm tra nồng độ cồn của ông ấy, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng và Dân Việt cùng nhiều báo khác tường thuật.
Các báo, đài cũng đăng đoạn video ghi lại việc đại tá Phong nhắc nhở ông Sử không được tiếp tục lái xe vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người đi đường, đồng thời yêu cầu ông Sử gọi điện cho người thân đến đón về.
Một số báo trích lời ông Phong trả lời báo giới rằng sự việc xảy ra lúc “đêm khuya lạnh” và ông Sử là người lao động “lớn tuổi”, “hiền lành lắm” nên ông nhận thấy có thể “xử lý chậm hơn và mang tính răn đe, cảnh báo, chứ không nhất thiết phải quyết liệt quá và làm ngay lúc đó”.
"Bác ấy vi phạm nồng độ cồn nên vẫn phải xử lý, nhưng xử lý ở mức độ nào vừa nhẹ nhàng, mang tính nhân văn, có tính răn đe và để họ hiểu biết, tuân thủ pháp luật", đại tá Phong nói, theo Tuổi Trẻ.
Sau đó, theo các báo trong nước, công an tại địa phương nơi ông Sử cư trú đã mời ông đến trụ sở hôm 17/1 để “nhắc nhở, tuyên truyền”. Ông Sử đã “viết bản kiểm điểm” về việc “vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông” và ông cũng viết “cam kết” là sẽ không tái phạm.
Đoạn clip về sự việc cũng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm ngàn phản ứng “yêu”, “thích”, hàng chục ngàn lời bình luận và lượt chia sẻ, theo quan sát của VOA.
Đại đa số những người đưa ra ý kiến đều khen ngợi vị lãnh đạo công an tỉnh vì đã gây bất ngờ và tạo nhiều thiện cảm khi xử lý “đẹp”, “ấm lòng”, “linh động”, “nhân văn”, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”...
Mặc dù vậy, cũng có một số người có cách nhìn khác về quyết định của vị giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh.
Họ so sánh việc ông Sử say đến nỗi “mất phương hướng” song chỉ bị xử lý nhẹ nhàng, đối lập với một thực tế khác, đó là khoảng 1 năm nay, ở một loạt các tỉnh, thành, nhiều người chỉ uống 1-2 lon bia đã bị phạt nặng kết hợp với giữ xe và “treo” bằng lái.
Sâu xa hơn, một số người đặt vấn đề phải chăng đại tá Phong đã “tùy tiện”, thậm chí “sai luật”. Theo quan sát của VOA, họ bao gồm cả các Facebooker có đông người theo dõi như Nguyễn Thùy Dương, Linh Hoàng, Lê Văn Hòa, hay một số trang như Chân Trời Mới Media…
Luật sư Lê Văn Hòa viết trên trang cá nhân rằng cách xử lý của giám đốc công an Hà Tĩnh “quá kém về luật pháp” và “đáng chê”.
Facebooker Linh Hoàng, với tổng cộng gần 20.000 bạn và người theo dõi, đưa ra ý kiến ngắn gọn: “Tha cho ông thợ say rượu là hành vi tùy tiện, sai công vụ, có gì mà khen. Tôi đề nghị Bộ Công an làm rõ việc này”.
Trang Facebook mang tên Nguyễn Thùy Dương, với hơn 106.000 người theo dõi, nhận xét việc báo chí và nhiều người ca ngợi đại tá Phong là “mắc cười”. Nữ chủ nhân của trang viết rằng việc của lãnh đạo và nhân viên công an là khi thấy người có dấu hiệu phạm pháp, họ phải xử lý.
“Nếu người thợ xây sai, vi phạm nồng độ cồn, mấy anh phải xử theo luật. Sau đó, mấy anh có thể móc tiền túi ra đóng phạt dùm”, nữ Facebooker đề nghị, đồng thời cảnh báo rằng việc người hành pháp thương cảm, không xử lý người có dấu hiệu phạm pháp có thể tạo ra sự ỷ lại, biết đâu sẽ dẫn đến hậu quả xấu về sau.
Những ý kiến trái chiều kể trên cũng nhận được nhiều sự ủng hộ, nhưng không đông đảo bằng vô số lời ca ngợi dành cho ông Phong.
Nói với VOA, luật sư Hà Huy Sơn có chung quan điểm với một số người phê phán đại tá Phong. Theo luật sư Sơn, trong khi đại tá Phong thực thi công vụ, việc ông ấy miễn kiểm tra và xử lý người thợ nề say xỉn là “không đúng pháp luật” và “giải quyết tùy tiện”.
Những người thực thi công quyền phải “thể hiện sự thượng tôn pháp luật, đề cao tính khách quan, công bằng”, luật sư Sơn nói, vì vậy, ông nhấn mạnh không nên có và không khuyến khích cách xử lý “tùy từng người” hoặc mang tính “mị dân”.
Vẫn luật sư này nói với VOA rằng cấp trên của vị giám đốc công an Hà Tĩnh cần đối chiếu các quy định của ngành và pháp luật nhà nước để ít nhất là nhắc nhở đại tá Phong hoặc có hình thức xử lý nghiêm hơn nếu cần.
VOA cố gắng liên lạc với đại tá Phong nhưng không kết nối được.
Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an Việt Nam cho báo chí biết hồi đầu năm 2024 rằng cảnh sát cả nước đã xử lý số người vi phạm về nồng độ cồn cao kỷ lục trong năm 2023, lên đến tổng cộng hơn 770.000 trường hợp, tăng hơn 460.000 người so với năm 2022. Trong đó, người đi xe máy vi phạm chiếm phần lớn.
Theo Bộ Công an, “nhờ sự quyết liệt xử lý”, tai nạn giao thông đã giảm 9%, giảm 26% người chết và bị thương trong năm 2023 so với năm 2022.
Diễn đàn