Đường dẫn truy cập

Miến Điện: Không có dấu hiệu hòa bình trong bang Kachin


Người Kachin trong trại tạm trú
Người Kachin trong trại tạm trú
Một năm đã trôi qua kể từ khi cuộc ngưng bắn giữa các lực lượng sắc tộc Kachin và binh sĩ chính phủ Miến Điện tan vỡ, và vẫn chưa thấy có dấu hiệu hòa bình nào. Hằng chục ngàn người đã chạy đi lánh nạn khi Tổ chức Độc lập Kachin, tức KIO, đấu tranh để được quyền tự trị rộng rãi hơn và để được kiểm soát tài nguyên. Thông tín viên Matt Saunder tường trình từ bang Kachin.

Những người dân bỏ nhà cửa để chạy tới trại tạm trú này ở bang Kachin, đang chuẩn bị để đón mùa mưa, với những âu lo về tình trạng thiếu lương thực.

Mặc dầu các khoản viện trợ nước ngoài đổ vào thủ đô của Miến Điện gia tăng, các nhóm người Kachin cho biết không có bao nhiêu phẩm vật cứu trợ được đưa tới vùng giao tranh.

Ông May Li Aung, người đứng đầu một tổ chức quy tụ 8 cơ quan cứu trợ địa phương có tên là “Wun Pawng Nighto.”, cho biết:

“Toàn thể cộng đồng quốc tế và các cơ quan cứu trợ đều muốn giúp người dân bên trong Miến Điện nhưng đây là một khu vực không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ cho nên họ cũng sợ, không dám tới đây.”

Mặc dầu một số vật phẩm tiếp tế được phép đưa vào các khu vực do KIO kiểm soát, nhưng điều này không xảy ra tại các trại tị nạn dọc vùng biên giới bên phía Trung Quốc.

Một phúc trình mới đây của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch chỉ trích Trung Quốc về tình trạng dân tị nạn tại Vân Nam không được hỗ trợ và kêu gọi nhà chức trách hãy cho phép các nhân viên cứu trợ được lui tới các trại tỵ nạn này.

Bà Mui Hpu Kaw chăm sóc cho 7 cháu nội trong khi bốn người con trai của bà chiến đấu cho Đạo Quân Độc Lập Kachin bên trong lãnh thổ Miến Điện ở phía bên kia biên giới. Bà nói tương lai bất định khiến có lúc bà không thể chịu đựng được nữa. Bà nói:

“Tôi mong đợi được nghe câu này 'Về nhà đi thôi, cuộc đấu tranh đã chấm dứt.' Mỗi lần thấy ai đó tới thăm trại, tôi lại hy vọng họ sẽ bảo rằng chúng tôi bây giờ có thể về nhà. Tôi cầu nguyện sẽ không bỏ mạng ở nơi này.”

Nhiều quan sát viên bày tỏ thái độ hoài nghi về triển vọng sẽ sớm có một giải pháp.

Một người hoạt động tích cực trước đây là Tun Kyaw Nyein, con trai của cựu Phó Thủ tướng U Kyaw Nyein, giờ đây là một thành viên thuộc Nhóm Nghiên cứu Chiến lược Miến Điện, một tổ chức độc lập, thân dân chủ.

Ông nói ngay cả bà Aung San Suu Kyi cũng phải thận trọng khi đề cập tới vụ xung đột này:

“Tôi hoàn toàn thông cảm vì sao bà Suu Kyi tỏ ra thận trọng trong cách bà đặt vấn đề và giải quyết các vấn đề này, bởi vì có nguy cơ bà ra dấu hiệu thiên vị bên này hay bên kia, trong khi tình hình đang vô cùng bất ổn. Điều này đòi hỏi phải có thời gian, và sự có mặt của tất cả các bên, kể cả bà Aung San Suu Kyi, Tổng Thống U Thein Sein và các thủ lãnh Kachin, tất cả phải ngồi xuống với nhau để xóa bỏ sự mất tin tưởng lẫn nhau kéo dài đã lâu.”

Trong lúc này, số lượng dân dời cư Kachin trong các trại ngày một tăng, họ đang chờ đợi một giải pháp để giải quyết vụ xung đột vẫn kéo dài – bất chấp những thay đổi lớn đang diễn ra tại những phần khác của nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG