Cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, dân chúng ở Đông Nam châu Á đang theo dõi các cuộc biểu tình đòi dân chủ lan tràn khắp Trung Đông qua một lăng kính của các kinh nghiệm và các mối quan tâm riêng của mình.
Người biểu tình ở Ai Cập có khả năng dùng sự ôn hòa buộc Tổng thống Hosni Mubarak phải từ bỏ quyền hành sau 3 thập niên chấp chính.
Nhưng các cuộc biểu tình tương tự ở Iran, Libya, Bahrain và Yemen đang bị trấn át một cách tàn bạo.
12 năm trước đây, Indonesia cũng trải qua một kinh nghiệm tương tự, đẩy Tổng thống Suharto ra khỏi quyền lực.
Nhiều chuyên gia chính trị về khu vực này nói sự chuyển tiếp một cách êm thắm của Indonesia qua một nền dân chủ đa đảng phải có tác dụng như một khuôn mẫu cho các nước khác trong thế giới Hồi giáo.
Nhưng trên đường phố Jakarta, một số người đã đưa ra các nhận định thận trọng. Bà Mia Alviera nói Indonesia chưa phải là một nền dân chủ thực thụ.
Bà này nói đúng là Indonesia là một nước Hồi giáo đông dân nhất nhưng họ vẫn còn chia rẽ và không đạt được thành tích tốt đẹp trong nhiều lãnh vực, như tôn giáo và chính trị.
Theo bà, tình trạng tham nhũng và bạo động gia tăng nhắm vào các nhóm thiểu số khiến nhiều người ở Indonesia cảm thấy là dân chủ không có hiệu quả.
Ông Renaldi tại đền hồi giáo Sunda Kelapa đồng ý rằng nhiều người dân Indonesia bất mãn đối với chính phủ. Ông có thiện cảm đối với những người biểu tình ôn hòa ở Trung Đông, nhưng lo ngại về ý nghĩa của sự kiện này đối với Indonesia.
Ông Renaldi tỏ ý lo ngại rằng nếu không giải quyết được những gì đang diễn ra trong thế giới Ả Rập thì tình trạng đó có thể lây lan ra những nơi khác.
Tại Thái Lan, trong một khu phố ở Bangkok đông dân cư và khách thăm từ Trung Đông, mọi người tỏ vẻ quan ngại về các cuộc biểu tình.
Ông Ali Al-Jaafari, người Oman, nói ông nghĩ rằng các cuộc biểu tình sẽ không lan xa hơn vùng Trung Đông, và chắc chắn không lan tới Đông Á, nơi ông cho là có một nền văn hóa rất khác so với nền văn hóa Ả Rập:
“Tôi không nghĩ là sẽ xảy ra sự cố nào ở vùng Vịnh Ba Tư cả, nhất là ở Tiểu vương quốc Ả Rập, Kuwait, Ả Rập Sê-út, và Oman. Tất cả các nước này đều đã ổn định và đa số dân chúng có một đời sống tốt đẹp.”
Nhưng ông Essa Ghazzi, một người Kuwait, nói ông không nghĩ rằng các cuộc biểu tình sẽ đem lại thay đổi thực sự cho Trung Đông:
“Thực là ngu xuẩn, bởi vì họ không thích các chính phủ mà họ đang có - họ sẽ có những chính phủ tệ hại hơn theo cách này hay cách khác. Tôi không tin vào các chính trị gia.”
Mối quan tâm lớn nhất đối với nhiều người ở Đông nam châu Á là bạo lực đang được sử dụng để chấm dứt các cuộc biểu tình. Nhiều người tỏ ý lo sợ rằng điều đó sẽ chỉ làm cho các cuộc biểu tình tệ hại hơn
Tại Đông nam châu Á, dân chúng bầy tỏ cả sự ủng hộ lẫn mối quan ngại về những cuộc biểu tình xảy ra ở Trung Đông.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1