Dòng người di tản ồ ạt từ thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương bùng dịch đã đặt các tỉnh miền Tây vào tình trạng hết sức căng thẳng: vừa lo tiếp nhận, sắp xếp cho người về vừa đối phó với nguy cơ dịch bệnh bùng phát, theo tìm hiểu của VOA.
‘Có thể vỡ trận’
Kể từ đầu tháng 10, khi tình hình dịch bệnh ở thành phố có dấu hiệu khả quan và các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, hàng trăm ngàn người dân miền Tây lưu trú tại thành phố đã đi xe máy về quê tránh dịch.
Chẳng hạn như tỉnh Sóc Trăng, chỉ trong ba ngày đầu tháng 10 đã có gần 30.000 người về quê. Riêng đêm 2/10 số lượng người về 20.000 tự phát ‘đông nghẹt cả một đoạn quốc lộ’, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trần Văn Lâu, chủ tịch tỉnh Sóc Trăng, cho biết.
Tỉnh An Giang đến ngày 5/10 đã đón 35.000 người về quê, theo số liệu của báo An Giang. Còn ở tỉnh cực nam Cà Mau, chỉ trong vòng 7 ngày cho đến ngày 7/10, đã có hơn 21.500 người dân về đến, báo Cà Mau dẫn lời ông Nguyễn Tiến Hải, bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết.
Đáng lưu ý là trong dòng người đổ về từ vùng dịch này, qua xét nghiệm sàng lọc đã phát hiện hàng trăm ca dương tính với virus corona, chẳng hạn như Đồng Tháp có 70 ca, Hậu Giang 50 ca, và Sóc Trăng 60 ca, theo tường thuật của báo mạng Vietnamnet. Riêng tỉnh Cà Mau ghi nhận 178 ca mắc từ những người tự phát về quê trong tổng số 207 ca trong tuần lễ từ ngày 3 đến 8/10.
Các tỉnh miền Tây đã trưng dụng hết các sơ sở sẵn có để làm khu cách ly nhưng vẫn không đáp ứng nổi, truyền thông trong nước cho hay. Chẳng hạn như tỉnh Cà Mau đã trưng dụng gần 300 trường học làm khu cách ly và hiện đang cách ly tập trung hơn 14.000 người, theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Cà Mau được báo Cà Mau dẫn lại.
Trước tình hình này, các tỉnh phải cho cách ly tại nhà. Chẳng hạn như nhiều địa phương ở tỉnh Cà Mau phải thực hiện việc ‘đổi nhà, cho mượn nhà, tận dụng chòi, vuông…’ để cho người dân về tự cách ly.
Tình hình căng thẳng đến mức có lúc 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị lên Chính phủ tạm ngưng cho người dân về quê trong vòng 15 ngày để ‘tránh vỡ trận’.
“Nếu để người dân tiếp tục tự về nữa thì không tỉnh nào chịu nổi. Năng lực điều trị, tỷ lệ tiêm vaccine của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp… nên khả năng nhiễm rất lớn. Các tỉnh miền Tây có thể sẽ chuyển đỏ,” Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu được Vietnamnet dẫn lời cho biết tại sao ông đưa ra kiến nghị này.
Dòng người về quá lớn cũng khiến tỉnh Cà Mau hôm 3/10 phải ra quyết định ngưng nới lỏng giãn cách chỉ sau một ngày tỉnh này cho các dịch vụ, hàng quán mở cửa phục vụ trở lại.
Công việc cấp tập
VOA đã liên hệ ông Đỗ Hảo, một trưởng ấp ở xã Tân Việt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, để tìm hiểu và được cho biết xã Tân Việt đến nay đã ‘tiếp nhận gần 600 người’, trong đó ấp của ông đón ‘trên 50 người’
Theo lời ông thì hiện giờ tất cả các huyện, xã, ấp đều được huy động cho công tác đón người về theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh vì ‘lượng người về quá nhiều, huyện, xã nào nhận về huyện, xã nấy chứ tỉnh không còn chỗ để cách ly tập trung’.
Do đó, xã của ông phải ‘dọn ra ba trường học để cho bà con tập trung về đó’, ông Hảo cho biết.
“Tập trung về đó thì mình phải lo, phải đi vận động góp thức ăn này kia, nấu cơm để nuôi ba điểm trường học này,” ông nói.
Theo lời ông thì Ủy ban tỉnh cấp cho mỗi người về được 20 kg gạo, ‘Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ nhu yếu phẩm như nước tương, đường, muối, dầu ăn’, còn thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, cá… thì ông đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp.
“Các tiệm tạp hóa đang kinh doanh thấy người về người ta cũng thương nên họ cho nhiều. Họ có gì cho nấy nên vận động rất là dễ,” ông Hảo nói và cho biết trong xã cũng có những người tình nguyện tham gia nấu ăn rồi phân phát đến các khu cách ly.
Còn đối với những ai muốn về nhà tự cách ly thì ông phải đi khảo sát chỗ ở của họ có đảm bảo điều kiện cách ly không, nhất là ‘phải đầy đủ điện đài, bếp ăn, nhà vệ sinh riêng, nước sinh hoạt’, ông nói. Hiện tại ở ấp của ông đã giải quyết cho về nhà hơn 30 người rải rác trong 17-18 hộ để tự cách ly.
“Họ phải có phòng riêng biệt không được ở chung với ai hết,” ông nói và cho biết những người tự cách ly cũng được cung cấp lương thực, thực phẩm để họ có thể sống qua 28 ngày.
Các điểm trường học được chọn làm nơi cách ly ‘có phòng ốc sạch sẽ, cao ráo, vệ sinh đầy đủ, nhiều phòng’, cũng theo lời ông, và ‘các phòng cách ly phải đảm bảo mật độ không được ở quá đông và phải được khử khuẩn hàng ngày’.
Ông cho biết kể từ làn sóng người ồ ạt về quê đến nay, địa phương ông vẫn đảm đương nổi và không bị quá tải ‘vì khi có người được về nhà thì khu cách ly lại có phòng trống để tiếp nhận người khác’.
“Chỉ trừ 1-2 ngày đầu chuẩn bị không kịp vì người dồn về quá đông,” ông nói. “Kể từ ngày 11/10 số người về đã ít đi. Hình như họ về mấy ngày đầu cũng gần hết rồi.”
‘Mệt mỏi nhưng cố gắng’
“Đôi lúc mệt mỏi tôi cũng muốn bỏ cuộc, nhưng khi ra tiếp cận với bà con thì mới thấy họ nghèo khổ, mấy tháng qua họ mần không được, ở nhà rồi họ nhớ nhà, họ ở trển không có việc làm, không có tiền đóng nhà trọ nên họ mới về,” ông Hảo nói với VOA.
“Thấy mấy hoàn cảnh như vậy thì mình cũng quên mệt mỏi và cố gắng thôi,” ông giãi bày.
Ông cho biết chính quyền chỉ mới hỗ trợ cho người dân thất nghiệp tại chỗ mỗi người được 1,5 triệu đồng còn những người trở về thì chưa được hỗ trợ tiền.
Về tâm lý của người dân địa phương, ông nói: “Mình đang yên đang lành thì thấy lượng người về đông cũng sợ.”
Theo lời ông kể thì khi dòng người từ vùng dịch đổ về, người dân ‘không dám ra đường, không dám tiếp xúc, các cửa tiệm buôn bán giờ cũng không còn ai ghé vì người dân rất sợ dịch’.
“Nhưng họ về đông chứ họ có về thẳng thôn ấp đâu. Họ phải đi tập trung, hay đủ điều kiện thì về nhà cách ly bị giăng dây hết nên bà con cũng yên tâm,” ông nói và cho biết nhờ vào vận động nên ‘bây giờ bà con cũng hiểu, không còn kỳ thị, xa lánh người về nữa’
Theo lời ông thì chính quyền các tỉnh nên ‘khuyến khích bà con ở lại, đừng về vì tình hình dịch ở Sài Gòn đã hạ nhiệt, ở lại được chích ngừa, đi làm lại khi các công ty mở cửa lại chứ về dưới này cũng thất nghiệp, còn phải lo cho cuộc sống sau này nữa’.