Âm thanh chói tai phát ra từ những chiếc Harley Davidson láng bóng, cùng tiếng nhạc đồng quê đã đem lại cho buổi họp tại Long Island của Cựu Chiến Binh đi mô tô này một cảm giác lễ hội. Cuộc họp này để chuẩn bị cho cuộc diễn hành “Rolling Thunder” ngày Memorial Day, trong đó hơn 1 triệu người cưỡi môtô, và sẽ viếng thăm Washington, D.C.
Cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, Brian Prochaska, nói cuộc diễn hành đó có một sứ mạng nghiêm trọng.
“Nó tuyên dương tất cả các chiến hữu của chúng tôi đã gục ngã. Như anh bạn Walter của tôi chẳng hạn. Tôi sẽ không bao giờ quên anh ta. Tôi luôn luôn nghĩ đến anh ta, có thể là ngày nào cũng thế.”
Walter Bienkowski bỏ mình tại Việt Nam vào năm 1965. Ông Prochaska kể:
“Anh ta là một gã gan lì nhất mà tôi biết trong đời. Và khi tôi nghe tin anh chết, thì chúng tôi hết sức sửng sốt. Kết quả cả 15 người trong bọn chúng tôi đã cùng với Thủy quân Lục chiến trong cuộc hành hương này và nhờ Thượng Đế, bọn tôi đều trở về an lành. Dù sao thì cũng chẳng khác gì bởi vì dù sao vẫn không có mặt Walter. Anh ấy sẽ chẳng bao giờ có mặt tại đây nữa.”
Cũng như Prochaska, ông Frank Tepedino mặc một cái jacket da beo trang trí những mảng cho thấy ông là 1 cựu chiến binh thủy quân lục chiến và một tay mô tô gạo cội thuộc club này. Ông nói:
“Tôi có mặt nơi này để tưởng nhớ người anh họ Vinnie, từng là một phi công bị bắn rơi tại Việt Nam. Vinnie rất dễ thương, một người yêu gia đình, có vợ và ba con và chẳng may anh ta đã bị bắn rơi và họ thực sự chưa hề tìm được xác anh.”
Mọi người đứng nghiêm, đặt tay lên ngực nơi trái tim, trong khi ban kèn túi chơi bản nhạc Amazing Grace. Không khí đầy xúc động. Ông Len Williams, tự gọi mình là “Diehard” theo một tín hiệu truyền tin, nhớ tới người anh em của mình:
“Danny và tôi lớn lên trong một khung cảnh viện mồ coi. Ít lâu sau khi tốt nghiệp trung học, Danny đã quyết định nhập ngũ. Nó vào đội Green Berets, tức biệt kích, và trại của nó bị tấn công trong cuộc giao tranh đầu tiên với xe tăng địch Bắc Việt. Nó yêu chúng tôi. Chúng tôi yêu nó. Nó yêu nước và rõ ràng chúng tôi vẫn cầu mong nó đã không phải hy sinh tính mạng. Chúng tôi luôn nhớ đến nó và tiếp tục cầu nguyện cho nó.
Bà Michelle McNaughton trở thành một bà “Mẹ Sao vàng” khi con trai bà, trung sĩ James McNaughton, thiệt mạng tại Iraq vào năm 2005. Bà nói:
“Nó có óc hài hước. Nó luôn có chuyện để chọc cười. Nó rất bảnh trai. Cao lớn. Tóc đen. Mắt to đen. Và nó là một người bạn tốt. Bạn bè mà nó có từ tiểu học đều nói nó là người tốt thế nào. Không có ngày nào trôi qua mà tôi không chờ nó bước qua ngưỡng cửa ấy. Đó là cái khó. Ngày lễ Memorial Day này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác kể từ khi con tôi chết.”
Tình cảm ấy cũng là ý nghĩ của một bà mẹ Sao Vàng khác, bà Joanne Lyles. Con trai bà, anh Jordan Haerter thiệt mạng vì bom tự sát ở Iraq năm 2008. Bà nói đối với đa số người Mỹ, Memorial Day chỉ có nghĩa là một cuối tuần dài 3 ngày, một bữa ăn ngoài trời và có lẽ một buổi diễn hành. Bà nói:
“Và tôi cũng thế, lúc còn bé tôi đã dự nhiều buổi diễn hành Memorial Day khi còn đi hướng đạo và sau đó vào đội Color Guard, tôi không nghĩ rằng tôi hiểu được ý nghĩa thực của Memorial Day. Cuộc diễn hành chấm dứt tại một nghĩa trang, tôi nghĩ chỉ toàn là những người già cả. Bây giờ thì tôi biết quá rõ là chính là những mạng người trẻ tuổi đã bị mất đi trong chiến tranh để đem lại sự tốt lành cho đất nước và tôi không nghĩ là mọi người biết được như thế, bởi vì trước kia tôi cũng không biết. Và mặc dầu tôi ăn mừng với bạn bè của con tôi và các cháu chắt của tôi có con cái, tôi sẽ không bao giờ được làm bà. Đấy là điều khó. Đấy là một vết thương không bao giờ lành được.”
Vừa rồi là ý nghĩ của một số bạn bè và người thân khi tưởng nhớ những người đã ngã xuống nhân dịp ngày lễ Memorial Day này.