Một tổ chức lớn bảo tồn môi sinh đang cảnh báo rằng loài cá da trơn lớn sinh sống ở nước ngọt có thể sẽ tuyệt chủng nếu như các quốc gia Đông Nam A cứ xúc tiến các kế hoạch xây đập trên sông Mekong.
Số lượng loại cá da trơn khổng lồ sống tại sông Mekong, có thể dài đến 3 mét, đã giảm xuống. Trong một phúc trình chuẩn bị công bố vào thứ Tư, Quĩ Bảo Tồn Đời Sống Hoang Dã WWF cho biết nếu loài cá này bị chặn không vào được nơi chúng sinh sản, đẻ trứng thì chúng sẽ biến mất hoàn toàn.
Ông Roger Mollot, chuyên gia về các sinh vật sống tại các vùng nước ngọt đặc trách nước Lào, cho biết lý do đơn giản là loài cá lớn này không thể bơi qua được những chướng ngại lớn như một đập nước để vào nơi chúng sinh sản ở thượng nguồn.
Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia dự tính xây 11 đập thủy điện dọc theo con sông dài nhất trong khu vực.
Các nhà bảo tồn môi sinh nói rằng những đập nước này có thể gây ra những thay đổi không thể đảo ngược được cho môi trường sinh thái của dòng sông, gây tai hại nặng cho ngành ngư nghiệp, là kế sinh nhai sống còn cho hơn 60 triệu người trong khu vực.
Từ nhiều năm nay quĩ WWF vẫn liên tiếp kêu gọi bảo tồn hệ thống sinh thái đa dạng của sông Mekong. Trong phúc trình năm 2008, Quĩ này cho biết các khoa học gia đã nhận diện được 1.068 chủng loại cây cỏ và động vật chưa được liệt kê trước đó hoặc bị coi là đã tuyệt chủng.
Những động vật này có cả loại thỏ vằn, loại rết mầu hồng tươi, và loại nhện to hơn cả cái đĩa đựng thức ăn.
Theo phúc trình thì những nguyên nhân gây ra mối hiểm nguy cho tính đa dạng của môi trường sinh thái là gia tăng dân số, thay đổi trong lề lối tiêu thụ, và gia tốc trong việc phát triển kinh tế.
Phúc trình cho biết môi trường sống của các sinh vật đã bị hủy hoại do sử dụng quá đà các nguồn tài nguyên thiên nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng và khí hậu biến đổi.
Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia đông nam Á gồm Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1