Mới đây, các ngân hàng hàng đầu của Mỹ, Châu Âu và Châu Á họp bàn về lưu vực sông Mekong tại một hội thảo ở Bangkok, Thái Lan do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cùng với các cơ quan phát triển khác đồng tổ chức.
Cuộc họp tập trung bàn về các rủi ro về tài chính, xã hội và môi trường, trách nhiệm đối với phát triển thủy điện trên hạ lưu sông Mekong cũng như cách thức để tìm hiểu và giảm bớt những rủi ro này.
Ông Marc Goichot, Cố vấn Cao cấp về Phát triển Hạ tầng Bền vững của WWF Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng phát biểu, xin trích: “Việc lựa chọn các địa điểm xây đập diễn ra từ những năm 60 của thế kỷ trước và thật đáng tiếc, từ đó đến nay, chưa có một quy trình đánh giá lại những lựa chọn này dựa trên những tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại được thực hiện”.
Theo WWF, hiện có 11 đập thủy điện được đề xuất xây dựng trên hạ lưu sông Mekong đoạn chảy qua Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Nếu chỉ một trong số những con đập này được xây dựng, nó sẽ phá vỡ sự kết nối hệ sinh thái của sông Mekong và dẫn đến môt loạt các tác động tiêu cực.
Ông Michael Simon, Giám đốc Chương trình Môi trường và Con người của tổ chức Oxfam Australia đánh giá rằng ‘mỗi một con đập được xây dựng trên hạ lưu sông Mekong sẽ ngăn chặn đàn cá di cư tới khu vực sinh sản, do đó làm suy giảm nguồn cá tại đây’.
Theo ước tính sơ bộ, sản lượng đánh bắt cá hàng năm tại lưu vực sông Mê Công - có giá trị tương đương 7 tỉ đô la Mỹ - sẽ bị giảm xuống còn 70% bởi các con đập được xây dựng trên dòng chảy chính của hạ lưu sông Mekong. Ngoài ra, các loài cá biểu trưng như cá Tra dầu và cá heo Mekong sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
WWF cho biết ủng hỗ việc hoãn phê duyệt xây dựng đập trên dòng chảy chính của sông Mekong trong vòng 10 năm cho đến khi những tác động của việc xây dựng và vận hành chúng được nghiên cứu thấu đáo.
Theo WWF, trước mắt, để đáp ứng nhu cầu điện năng, các quốc gia trong vùng có thể xây dựng nhà máy thủy điện trên các phụ lưu của sông Mekong.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1