Đường dẫn truy cập

Mẹ Nấm


Phiên tòa xử Mẹ Nấm.
Phiên tòa xử Mẹ Nấm.

Bùi Văn Phú


Hôm 8/11, trong lúc chuyến công du 12 ngày đến châu Á đang diễn ra, khi Tổng thống Donald Trump và Đệ Nhất Phu nhân vừa đến Trung Quốc thì có tin cho biết trong chặng đường còn lại, bà Melania Trump sẽ không tháp tùng tổng thống đến Việt Nam và Philippines.

Tin được nhanh chóng loan tải. Trên FB của VOA và RFA tiếng Việt và đã có rất nhiều bình luận, ý kiến đưa ra lí giải tại sao Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ lại không đến Việt Nam và Philippines.

Có ý kiến cho rằng những vi phạm nhân quyền đã khiến bà Trump không đến Việt Nam, như một biểu hiện phản đối Hà Nội bắt giam những người bất đồng chính kiến, trong đó có nhiều phụ nữ, chỉ vì họ nói lên quan điểm của mình dù trong tinh thần ôn hòa.

Có thể vì bà quan tâm đến một phụ nữ Việt đang bị giam tù. Đó là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 38 tuổi, một người vào tháng Sáu vừa qua đã bị tòa án ở Khánh Hòa kết án 10 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Cuối tháng 3/2017, Mẹ Nấm cùng 12 phụ nữ trên toàn thế giới đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên dương và trao giải thưởng “Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2017” trong một buổi lễ có sự tham dự của Đệ Nhất Phu nhân Melania Trump.

Hôm 26/10, trước chuyến công du châu Á của lãnh đạo Hoa Kỳ, người con gái nhỏ của Mẹ Nấm là Nguyễn Bảo Nguyên đã gửi thư cho Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ yêu cầu can thiệp với Hà Nội để mẹ được trả tự do, về đoàn tụ với gia đình.

Theo ghi nhận của các tổ chức nhân quyền quốc tế, hiện nay còn hơn một trăm tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam. Trong khi đó những người tranh đấu cho quyền làm người, cho môi trường sạch, cho một xã hội công bình thường xuyên bị sách nhiễu, ngăn cản di chuyển, bị công an mời lên làm việc hay bị hành hung bởi các nhóm côn đồ được giới chức an ninh bao che.

Mẹ Nấm cùng hai con phản đối Trung Quốc đem giàn khoan HD-891 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Mẹ Nấm cùng hai con phản đối Trung Quốc đem giàn khoan HD-891 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Mẹ Nấm là một người viết blog lên tiếng bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ môi sinh. Ngoài những bài viết trên blog nói lên quan điểm của mình, bà còn hành động bằng cách xuống đường giương bảng chữ phản đối Bắc Kinh tại một địa điểm du lịch ở Nha Trang, nơi hiện nay tràn ngập du khách Trung Quốc. Nhân viên an ninh đã xô đẩy bà và giựt khẩu hiệu.

Ở những nơi khác bà phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đến cho dân hay lên tiếng phản đối Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, phản đối công ti thép Formosa làm ô nhiễm môi trường biển miền Trung một cách trầm trọng và yêu cầu khởi tố công ty ra tòa.

Bà bị bắt vào tháng 10/2016. Tháng Sáu vừa qua bà bị kết án 10 năm tù.

Trong đầu năm nay một phụ nữ khác là bà Trần Thị Nga đã bị công an tỉnh Hà Nam đã bắt giam. Bà là một thành viên của Hội Phụ nữ Việt vì Nhân quyền và thường xuyên lên tiếng bênh vực cho những dân oan bị nhà nước chiếm đất. Nhà nước cũng qui tội bà vi phạm điều 88 Bộ luật Hình sự với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Hôm tháng Bảy vừa qua bà bị xét xử và bị kết án 9 năm tù và 5 năm quản chế.

Những bản án dành cho Mẹ Nấm và Trần Thị Nga cho thấy Hà Nội không dung tha những ai lên tiếng phản bác chính sách của nhà nước và sẵn sàng áp đặt những bản án nặng lên họ. Trong hai trường hợp này, dù cả hai phụ nữ đều đang có con nhỏ cũng không thoát khỏi các bản án tù cả chục năm.

Trường hợp của Mẹ Nấm và Trần Thị Nga đặc biệt được nhiều học giả nước ngoài quan tâm.

Tuần qua có một thỉnh nguyện thư, với 40 chữ ký của những giáo sư đại học và những nhà nghiên cứu, gửi Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo Việt Nam yêu cầu trả tự do cho Mẹ Nấm và Trần Thị Nga.

Trong số những người quan tâm có chữ ký của Mark Philip Bradley, David Brown, Anita Chan, Christopher Goscha, Hồ Tài Huệ Tâm, Lê Xuân Khoa, Jonathan London, Bruno Machet, Pamela McElwee, Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Ngọc Giao, Sophie Quinn-Judge, Philip Taylor, Thái Văn Cầu, Vũ Quang Việt, Phạm Xuân Yêm, Peter Zinoman v.v…

Những người đồng ký tên cho rằng chỉ vì nói lên quan điểm một cách ôn hoà mà nhà nước kết án Mẹ Nấm và Trần Thị Nga với những bản án nặng nề là điều không nên có và các hành động của họ không nên bị kết án hình sự.

Dù phải đối diện với án tù, đã có nhiều phụ nữ Việt lên tiếng và hành động trước những bất công của xã hội, nạn tham nhũng, trước đe doạ hung hăng của Trung Quốc đến chủ quyền quốc gia, trước những vi phạm quyền con người của nhà nước. Họ là Trần Khải Thanh Thủy, Bùi Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thu Hà, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Xuân, Trần Thị Thúy, Nguyễn Đặng Minh Mẫn.

Trong các chuyến thăm Việt Nam trước đây của lãnh đạo Hoa Kỳ, năm 2000 bà Hillary và ái nữ Chelsea đã tháp tùng Tổng thống Bill Clinton. Bà Laura cùng Tổng thống George W. Bush (con) đến Việt Nam năm 2006. Năm 2016 Tổng thống Barack Obama đi một mình.

Với chuyến đi của Tổng thống Donald Trump, điều ngạc nhiên là phu nhân Melania đã theo ông trong phần đầu qua ba quốc gia Nhật, Nam Triều Tiên và Trung Quốc, nhưng bà lại không đến Việt Nam và Philippines trong chặng cuối của chuyến công du.

Cho đến nay chính sách của Tổng thống Trump về Đông Á nói chung, và đối với Việt Nam nói riêng, sẽ như thế nào thì vẫn chưa có những nét rõ ràng ngoài việc tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại, nhưng không quá bất lợi cho Hoa Kỳ như trước đây và vấn đề Bắc Triều Tiên thử vũ khí nguyên tử.

Dù chính sách mới của Hoa Kỳ ra sao, dù phu nhân Melania không đến Việt Nam thì việc tranh đấu cho quyền làm người, cho một xã hội cởi mở, công bằng và tiến bộ vẫn tiếp tục với nỗ lực chính là của người Việt, trong cũng như ngoài nước, vì Việt Nam tuy đã ký vào các Công ước Liên Hiệp Quốc bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cho người dân nhưng Hà Nội không tôn trọng.

Nói như Mẹ Nấm, bà ý thức được việc của bà làm. Trong tù với điều kiện giam giữ khắc khe mà vẫn vững tin như thế, bà thật là người can đảm.

Phấn son tô điểm sơn hà

Làm cho rạng mặt đàn bà nước Nam.

XS
SM
MD
LG