Một chiến đấu cơ SU-30 của Trung Quốc đã tiến rất gần tới máy bay “thăm dò bức xạ” WC-135 của Mỹ, chỉ cách có 45m, sau đó bay ngửa trên chiếc máy bay của Mỹ trong vùng không phận quốc tế trên biển Hoa Đông.
Các giới chức quân đội Mỹ được CNN trích lời nói rằng máy bay Mỹ lúc đó đang làm nhiệm vụ dò tìm mức độ bức xạ trong khu vực. Trước đây những máy bay loại này được dùng để thu thập bằng chứng về các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn.
Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên của không quân Mỹ, Trung tá Lori Hodge, chỉ trích sự cố xảy ra hôm thứ Tư là hành vi “thiếu chuyên nghiệp” do “cách điều khiển của phi công Trung Quốc cũng như tốc độ và khoảng cách bay giữa 2 máy bay.”
Trung tá Hodge cho biết vụ việc này “đang được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và quân sự với phía Trung Quốc” và một cuộc điều tra của quân đội đang được tiến hành.
Trung Quốc chưa bình luận gì về vụ việc này nhưng cáo buộc Mỹ đã tiến hành các chuyến bay do thám trên các vùng biển gần bờ của Trung Quốc và thường xuyên kêu gọi Mỹ giảm bớt các cuộc tuần tra trên vùng biển này.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay quân đội Mỹ và Trung Quốc gần đụng độ trên vùng biển này, theo The Independent.
Trong những năm qua, Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác đã có những tranh cãi về các hoạt động tranh chấp trên biển Đông.
Tháng 2 năm nay, một tàu sân bay Mỹ bắt đầu “các hoạt động thường lệ” ở biển Đông với một hạm đội các tàu chiến hộ tống.
Đội tàu được triển khai bất chấp những lời cảnh báo của Trung Quốc yêu cầu Mỹ đừng thách thức chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực.
Vào tháng 5/2016, 2 máy bay chiến đấu Trung Quốc cũng có các hành động tương tự để chặn một chiến đấu cơ của Mỹ trong vùng không phận trên biển Đông.
Lúc đó, quân đội Mỹ nói rằng máy bay thăm dò hàng hải đang thực hiện một cuộc tuần tra thường lệ trong khu vực.
Năm 2001, một chiến đấu cơ của Trung Quốc và một máy bay trinh sát của hải quân Mỹ đã va vào nhau ngoài khơi đảo Nải Ham, làm một phi công Trung Quốc thiệt mạng.
Máy bay trinh sát của Mỹ buộc phải hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam, Trung Quốc giam giữ phi hành đoàn bay trong 11 ngày, gây ra một vụ rắc rối ngoại giao nghiêm trọng giữa 2 nước.