Đường dẫn truy cập

Margaret Thatcher: Sự nghiệp, Di sản và Dư luận


Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vừa qua đời, thọ 87 tuổi
Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vừa qua đời, thọ 87 tuổi
Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher qua đời hôm thứ Hai, được xem là người đã thay đổi diện mạo chính trị nước Anh trong thời gian tại chức. Thông tín viên VOA Laurie Kassman nhìn lại sự nghiệp của bà.

Vài nét về bà Margaret Thatcher

Vài nét về bà Margaret Thatcher

Thủ tướng từ 1979 đến 1990, nổi tiếng với lập trường bảo thủ.

Phụ nữ đầu tiên làm Thủ tướng Anh, phục vụ 3 nhiệm kỳ.

Lãnh tụ đảng Bảo thủ tại Quốc hội từ năm 1975.

Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học trong thập niên 1970.

Phu quân là ông Denis Thatcher, hai ông bà có hai con.
Ngoài thành tích là phụ nữ đầu tiên làm Thủ tướng Anh, bà Thatcher còn được xem là một nhà lãnh đạo thế giới được kính nể và ăn nói mạnh bạo trong suốt 11 năm cầm quyền.

Khi lần đầu tiên lên cầm quyền bà bày tỏ hy vọng:

“Khi có những bất đồng, chúng ta cầu mong sự hòa hợp, khi có sai lầm chúng ta cầu mong sẽ có sự thật, khi có nghi ngờ, chúng ta cầu mong sẽ mang lại niềm tin và khi có thất vọng, chúng ta cầu mong sẽ có hy vọng.”

Trong quyển tự truyện của mình, bà Thatcher nói rằng thành tựu quan trọng nhất của bà khi làm Thủ tướng là đưa nước Anh chuyển từ chính sách mà bà gọi là “chủ nghĩa xã hội mềm mỏng” sang một xã hội tự do doanh nghiệp.

5 năm sau khi rời chức vụ, bà nói trong buổi phỏng vấn truyền hình rằng bà đã phục hồi vị trí của nước Anh trên thế giới, nhờ lập trường không nao núng về tự do. Bà nhắc lại quyết định của bà gởi quân đội Anh đến bảo vệ đảo Falklands vào năm 1982 khi lực lượng Argentina xâm phạm chủ quyền của Anh tại đảo này. Bà nói:

“Mọi người biết là chúng ta sẽ không dung thứ kẻ xâm lược. Chúng ta sẽ không nhượng bộ kẻ xâm lược. Do đó chúng ta đến Falklands. Đây là lần đầu tiên một kẻ xâm lược bị đẩy lùi sau thế chiến thứ hai. Do đó chúng ta đã biến nước Anh thành một quốc gia vĩ đại, dù đường biên giới thu hẹp, vì chúng ta không còn là một đế quốc. Tuy nhiên chúng ta lấy lại tư cách và uy tín.”

Điều này đã được nhắc lại bà lên án cuộc xâm lược của Iraq vào Kuwait trong năm 1990.

Đứng cạnh Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là George Bush trong một cuộc gặp gỡ tại Hoa Kỳ, Bà Thatcher không ngần ngại kêu gọi có những hành động quân sự nếu cần, để ngăn chận Saddam Hussein, nhà lãnh đạo của Iraq.

Là con gái của một người làm bánh trung lưu, bà học về hóa học và luật nhưng sau đó chuyển sang chính trị. Bà phục vụ trong tư cách bộ trưởng giáo dục và khoa học trong những năm 1970. Bà nhanh chóng tiến lên trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng Bảo thủ và trở thành lãnh tụ đối lập trong Quốc hội vào năm 1975. Bà được bầu làm Thủ tướng vào năm 1979.

Thời gian lãnh đạo của bà Thatcher gây nên nhiều tranh luận. Bà giảm bớt quyền lực của các công đoàn và cắt bớt chi tiêu công cộng, tư hữu hóa những công ty quốc doanh, và chuyển đảng Bảo thủ trung dung của bà sang cánh hữu nhiều hơn.

Bà không bao giờ che giấu sự chống đối của bà đối với kế hoạch của Liên hiệp châu Âu muốn các nước trong liên hiệp hợp tác chặt chẽ hơn về kinh tế và chính trị. Bà Thatcher cảnh báo kế hoạch đó sẽ tước đoạt chủ quyền của nước Anh.

Là phụ nữ duy nhất của EU giữ chức vụ lãnh đạo một nước lúc bấy giờ, dấu ấn của bà Thatcher là ví xách tay màu đen bà thường mang trên cánh tay. Dư luận gọi bà là “handbagging”, vừa có nghĩa là mang túi xách nơi cánh tay, vừa có nghĩa là người ăn nói thẳng thừng và sắc bén, một người hay “tấn công mạnh mẽ người khác bằng lời nói.”

Từ này muốn nói tới những đả kích của bà chống lại những nhà lãnh đạo EU muốn châu Âu trở thành một khối thống nhất chặt chẽ hơn. Về điểm này bà nói:

“Bạn không thể có được nhà lãnh đạo chính xác như bạn mong muốn. Đây là sự lựa chọn giữa những gì đang có. Chắc chắn là có nhiều người không nghĩ rằng tôi là nhà lãnh đạo lý tưởng, đặc biệt là những người muốn đi vào châu Âu sâu đậm hơn là tôi.”

Dù gặp nhiều chỉ trích, một Margaret Thatcher kiên cường đã thắng lớn cho nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai và thứ ba. Tuy nhiên việc chuyển sang cánh hữu rõ ràng của bà làm nhiều người trong đảng của bà bất bình.

Bà mất chức lãnh tụ đảng và Thủ tướng vào năm 1990. Sau đó bà được Nữ hoàng Elizabeth phong chức nam tước và được bổ nhiệm vào Viện Quý tộc.

Trong bài diễn văn năm 1996, bà Thatcher đổ lỗi ban lãnh đạo mới trong đảng của bà mất sự ủng hộ của quần chúng vì họ đã phản bội những nguyên tắc của bà. Chủ trương của bà là kinh doanh tự do, thay vì một cỗ máy chính quyền to lớn.

Bà không ngần ngại đưa ra những lời khuyên cho người kế vị bà, ông John Major, khi ông này tranh đấu để cho đảng Bảo thủ tiếp tục cầm quyền nhưng ông này không thành công:

“Đừng bao giờ tự nguyện từ bỏ quyền lực. Nếu bạn tin vào vào thông điệp của bạn thì bạn phải thắng, vì bạn biết là thông điệp trong tay bạn sẽ được điều hành hiệu quả hơn những người hiện nói là đồng ý với thông điệp này nhưng không bao giờ nghĩ đến nó trước tiên.”

Mỉa mai thay, vào năm 1997, đảng Lao động đổi mớùi đã từ bỏ những ngôn từ xã hội và chấp nhận chiến lược của bà Thatcher để lên cầm quyền và đẩy đảng Bảo thủ của bà vào thế đối lập.

Bà Thatcher không muốn ngồi yên ở hậu trường ngay cả vào những năm cuối đời. Bà vận động không mệt mỏi cho những ứng cử viên đảng Bảo thủ trên toàn quốc và sẵn sàng đưa ra những lời khuyên và ủng hộ thế hệ lãnh đạo kế tiếp của đảng này.

Nữ hoàng Elizabeth bày tỏ đau buồn trước việc bà Thatcher từ trần, và chấp thuận kế hoạch tang lễ có lễ nghi quân cách và di chuyển linh cữu trên các đường phố London trước khi đến làm lễ tại Nhà thờ Thánh Phao-Lô.

Thủ tướng David Cameron, một đảng viên Bảo thủ nói “bà Thatcher không những lãnh đạo đất nước mà còn cứu đất nước và bà sẽ đi vào lịch sử trong tư cách là một Thủ tướng Anh vĩ đại nhất của thời bình.”

Các nhà lãnh đạo thế giới hiện nay và trước đây cũng chia buồn với nước Anh, trong đó có cựu lãnh đạo Sô Viết Mikhail Gorbachev, một trong những đối thủ của bà trong những năm 1980.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói “Thế giới mất đi một trong những người bênh vực tự do vĩ đại nhất thế giới, và Hoa Kỳ mất một người bạn thực sự.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG