Tây Giang, một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam của Việt Nam, có 96% dân số là người dân tộc C’Tu sống dọc theo biên giới với Lào.
Điều kiện sống của người dân ở đây hiện vẫn còn thiếu thốn, dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế cũng yếu kém, tỷ lệ người nghèo chiếm tới 70% và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở độ tuổi dưới 5 lên tới 28%*.
Phụ nữ C’Tu đặc biệt lại càng gặp khó khăn hơn nam giới, hầu hết phụ nữ ở độ tuổi trên 30, đều không biết đọc và viết tiếng Kinh. Theo tục lệ truyền thống của địa phương ngoài nhiệm vụ chăm sóc con cái thì họ còn là những người lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, những người phụ nữ này lại không được đi học, không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như các hoạt động tạo thu nhập khác ngoài việc đồng áng.
Tổ chức Malteser International bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 1966 với ba lĩnh vực hoạt động chính là phát triển-hợp tác về y tế và sinh kế, cứu trợ nhân đạo và các dự án sẵn sàng đối phó với thảm họa cho người dân ở khu vực có nguy cơ thiên tai cao.
Bà Cordula Wasser, giới chức cao cấp phụ trách các chương trình ở Việt Nam và Thái Lan của Malteser International tại trụ sở chính ở Đức, cho biết người dân ở Tây Giang cho tới trước năm 2003 chủ yếu sống ở trong các ngôi làng nhỏ nằm rải rác khắp huyện và trong rừng cho nên ở những làng này trước đó không hề có trường học. Bà Wasser nói:
“Chỉ có các em trai được đi học ở những ngôi làng lớn hơn cách đó rất xa. Còn các bé gái phải ở nhà chăm em nhỏ khi mẹ đi làm ruộng. Vì thế các em gái không có cơ hội đến trường. Vào năm 2003, chính phủ Việt Nam mới bắt đầu tái định cư người dân ở những ngôi làng nhỏ này tới những ngôi làng lớn hơn để tất cả các trẻ em trong tương lai đều có thể được đi học."
Tuy nhiên, việc tái định cư này cũng dẫn đến việc người dân C’Tu mất dần đất canh tác nông nghiệp trước đây thuộc về họ.
Bà Wasser cho biết vào năm 2005 Malteser International đã khởi động một chương trình xóa đói giảm nghèo tại huyện Tây Giang.
“Mục tiêu của chúng tôi là nhằm cải thiện tình hình sức khỏe cho người dân, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tăng cường cơ hội tạo thu nhập cho phụ nữ. Và ngay sau khi khởi động dự án thì chúng tôi nhận ra rõ ràng là phụ nữ bị giới hạn trong phạm vi trách nhiệm gia đình và miếng cơm manh áo hàng ngày. Họ không có có thu nhập gì hết bởi họ không thể bán được sản phẩm của mình ở chợ khi mà họ thậm chí không biết đếm. Và vì mù chữ cho nên họ cũng chẳng thể tiếp cận các khoản vay vốn của Ngân hàng Người nghèo”
Quá trình tái định cư ở Tây Giang đã tạo nên những cơ hội mới để phụ nữ ở đây có thể kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên những cơ hội này chỉ đến với những người biết đọc và biết viết, và phải biết đếm, biết đọc thì họ mới có thể bán hàng ở trong làng.
Bà Nguyễn Thúy Nga, Điều phối viên của Malteser International ở Việt Nam cho biết thêm:
“Khi mình thực hiện một dự án để nâng cao thu nhập cho người dân C’Tu ở huyện Tây Giang thì gặp một trở ngại, đó là các chị em phụ nữ không nói được tiếng Kinh một cách lưu loát và họ rất ngại trong chuyện thảo luận để trình bày những ý tưởng, những sáng kiến hay nói lên ý của mình thì người ta rất là ngại. Vì vậy mình mới muốn kiếm cách làm sao để khuyến khích phụ nữ nói lên ý kiến của mình và để người ta có thể trao đổi với người khác bằng tiếng phổ thông”.
Ý tưởng về một chương trình xóa mù chữ cho phụ nữ ở vùng núi xa xôi này bắt đầu được nhen nhóm từ đó, bà Nga cho hay tới năm 2007 thì chương trình xóa mù chữ và phát triển cộng đồng được chính thức khởi động.
Bà Wasser cho biết về phương pháp được sử dụng trong chương trình này:
“Malteser International thực hiện chương trình xóa mù chữ theo phương pháp ‘REFLECT’, nghĩa là phương pháp giáo dục dành cho người lớn có sự tham gia của học viên. Những người phụ nữ này sẽ không chỉ biết đọc, biết viết và đếm mà cuối mỗi chu trình đào tạo họ cũng được nâng cao vị thế và tham gia tích cực hơn vào các hoạt động phát triển cộng đồng bằng cách lập kế hoạch cho những chương trình đó ngay tại các lớp học. Các học viên được hướng dẫn để có thể thảo luận một cách tự do để họ có thể tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề trong đời sống hàng ngày."
Bà Wasser nói rằng Kể từ khi bắt đầu thực hiện chương trình này đến nay, Malteser International đã đào tạo cho gần 1.400 phụ nữ ở huyện Tây Giang bằng phương pháp Reflect. Sau 20 tháng tham gia chương trình, những phụ nữ này có trình độ học vấn tương đương với lớp 5 về kỹ năng viết, đọc và làm toán.
Còn theo bà Nga thì chương trình mới chỉ đạt được những kết quả khiêm tốn vì muốn giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
“Đến bây giờ là năm 2010, trải qua gần 4 năm thực hiện chương trình xóa mù chữ phát triển cộng đồng, nếu mà nói là đạt được mục đích giúp cho phụ nữ nâng cao thu nhập thì nó chưa thể đạt được. Bởi vì giúp phụ nữ nâng cao thu nhập thì nó còn phụ thuộc vào nhiều mặt nữa, không phải là người ta có thể nói tiếng phổ thông là người ta có thể nâng cao thu nhập vì Tây Giang là một vùng núi rất sâu, xa, rất cao thuộc tỉnh Quảng Nam. Giao thông thì rất trở ngại, thêm nữa khí hậu lại rất khắc nghiệt, mỗi năm mưa bão và lũ lụt xảy đến thường xuyên. Khi mà người dân trồng trọt được một cái sản phẩm nông nghiệp mà mang được trong rãy ra mặt đường là một vấn đề rất khó khă, rồi từ đường để tới những nơi có thể thu mua được thì là một quá trình không phải dễ dàng gì.
Bây giờ thì chính quyền địa phương đang nỗ lực hết sức để tạo thuận lợi hơn trong việc vận chuyển, ví dụ người ta đã tổ chức chuyến xe buýt để tạo lưu thông từ huyện Tây Giang xuống các vùng khác, tuy nhiên giá vận chuyển thì rất cao.”
Mặc dù vậy Bà Nga cho rằng thành công lớn nhất của chương trình xóa mù chữ của tổ chức Malteser là việc giúp cho người dân, nhất là phụ nữ có được sự tự tin hơn trong cuộc sống.
“Ví dụ trước đây phụ nữ họ rất ngại đi đến những điểm mua bán, những quán xá bởi vì người ta sợ bị lừa, hoặc là khi mà người ta trả giá thì người ta sợ trả sai, hoặc là khi cân khoai, sắn để bán thì người ta sợ bị lừa vì người ta không đọc được những con số, nhưng bây giờ người ta tự tin hơn, người ta có thể tự đi đến những điểm mua bán, để mua rồi nhận tiền thối lại người ta có thể kiểm tra được. Cái thứ hai, khi mà người ta tham gia những lớp xóa mù chữ phát triển cộng đồng thì ở đó không những chỉ dạy người ta cách đọc viết, hoặc là tính toán mà ở đó những phụ nữ cùng với những giáo viên hướng dẫn xóa mù chữ thảo luận với nhau về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, các phương pháp trồng trọt, chăn nuôi.”
Các dự án của Malteser International được Bộ Hợp tác phát triển của Đức và Tổ chức Vì tương lai của Trẻ em Thế giới tài trợ. Bà Nga cho hay dự án xóa mù chữ và giảm nghèo được chính quyền địa phương đánh giá rất cao và vào cuối năm nay tổ chức Malteser sẽ đánh giá lại nhu cầu của địa phương để có thể tiếp tục xây dựng một dự án mới.
Khi được hỏi liệu Malteser có kế hoạch mở rộng chương trình này sang các tỉnh miền núi nghèo khó khác hay không, bà Nga cho hay trước hết Malteser International muốn tập trung xây dựng Tây Giang thành một mô hình phát triển bền vững và khi có thêm tài trợ và nhân lực thì mới có thể nhân rộng dự án.
Quí vị có thể tìm hiểu thêm thông tin về tổ chức Malteser International cũng như các hoạt động của tổ chức ở Việt Nam tại địa chỉ www.malteser-international.org.
*Số liệu do Malteser International cung cấp