Đường dẫn truy cập

‘Mỹ nên giải trình với WTO đánh thuế Trung Quốc là chính đáng’


Trụ sở của WTO ở Geneva, Thụy Sỹ
Trụ sở của WTO ở Geneva, Thụy Sỹ

Mỹ nên trình bày với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) những vi phạm của Trung Quốc để biện hộ cho việc đánh thuế lên hàng hóa của nước này, một chuyên gia nhận định sau khi WTO kết luận rằng thuế quan Mỹ ‘đã vi phạm luật lệ thương mại toàn cầu’.

Hôm 15/9, WTO kết luận rằng Mỹ ‘đã phạm luật’ với việc áp đặt thuế quan lên hàng trăm tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump tức giận.

WTO dung dưỡng Trung Quốc?

Chính quyền Mỹ nói rằng thuế quan họ áp hai năm trước lên trên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc ‘là thỏa đáng’ vì Trung Quốc ‘đánh cắp sở hữu trí tuệ’ của các công ty Mỹ và ép buộc các công ty này phải chuyển giao công nghệ thì mới được tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, ủy ban gồm ba thành viên của WTO cho rằng thuế quan của Mỹ phạm luật bởi vì ‘nó chỉ đánh vào mỗi Trung Quốc và vượt mức tối đa mà Mỹ đã đồng ý’, theo Reuters. Lúc đánh thuế, Washington cũng không hề giải thích thỏa đáng cho WTO tại sao họ nên được biệt lệ để đánh thuế trong trường hợp này.

Phản ứng trước hành động của WTO, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, được Reuters dẫn lời nói: “Báo cáo từ ủy ban này của WTO xác nhận điều mà chính quyền Trump đã nói bốn năm qua: WTO hoàn toàn không tương xứng trong việc ngăn chặn những tập quán công nghệ có hại của Trung Quốc.”

Về phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc nói Bắc Kinh ủng hộ cơ chế giao thương đa phương, tôn trọng những quy định của WTO và hy vọng Washington cũng có thái độ tương tự, vẫn theo Reuters.

Phán quyết này ít có tác động tức thời lên thuế quan của Mỹ và chỉ là khởi đầu của quá trình pháp lý vốn phải mất nhiều năm mà cuối cùng WTO có thể cho phép Bắc Kinh áp thuế trả đũa – điều mà Trung Quốc đã làm.

Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ kháng cáo phán quyết này nhưng do chính quyền Trump đã ngăn chặn việc chỉ định thẩm phán cho tòa phúc thẩm của WTO nên cơ quan này hiện không có đủ số thẩm phán theo quy định để xem xét kháng cáo.

WTO lưu ý rằng họ chỉ mới xem xét hành động của Mỹ chứ chưa xem xét các biện pháp trả đũa của Trung Quốc mà Washington không kiện ra WTO.

WTO khuyến cáo Mỹ nên ‘tuân theo các nghĩa vụ của họ với WTO’ nhưng cũng kêu gọi hai nước cùng nhau giải quyết tranh chấp.

‘Đủ lý do để biện hộ’

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, hiện giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management, nhận định rằng ‘lẽ ra chính quyền Mỹ trước đây nên trình bày lý do tại sao đánh thuế Trung Quốc’ thì giờ không xảy ra phán quyết này khiến Mỹ mang tiếng vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông giải thích rằng sở dĩ chính quyền Trump làm như vậy vì họ ‘đã coi thường WTO và đe dọa tẩy chay WTO’ do tổ chức này không thực thi các điều luật khi Trung Quốc có những vi phạm như sử dụng lao động trẻ em, gây hại cho môi trường, không đảm bảo an toàn cho công nhân hay lợi dụng tiền lương thấp.

Giáo sư Lộc nêu ra những căn cứ mà ông cho rằng ‘hoàn toàn thỏa đáng’ để Mỹ đánh thuế đối với Trung Quốc: Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn, Trung Quốc lũng đoạn tiền tệ và nhất là ép buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ.

“Nội cái thương mại không công bằng khiến Mỹ bị thâm hụt quá nhiều cũng đủ để họ áp thuế rồi,” Giáo sư Lộc khẳng định.

Ngoài ra, theo lời ông, nếu WTO cho rằng thuế quan của Mỹ là vi phạm thì họ cũng phải xem thuế quan của Trung Quốc đánh trở lại hàng hóa Mỹ là vi phạm.

“Cách duy nhất đúng là đưa ra tòa án và thưa kiện, thành ra hai bên đều vi phạm,” ông nói.

Một khi Mỹ kiện ngược Trung Quốc thì Bắc Kinh phải chứng minh là Mỹ đã vi phạm điều luật gì của WTO để họ áp thuế. “Nếu họ nói để trả đũa cho thuế quan của Mỹ cũng không thỏa đáng. Mỹ có lũng đoạn tiền tệ không? Có trợ cấp các công ty nhà nước không?” Tiến sĩ Lộc lập luận.

Ông giải thích rằng thực ra thuế quan của Mỹ không chỉ nhắm vào mỗi mình Trung Quốc có hành vi thương mại không công bằng mà còn nhắm vào các nước khác như Mexico, Canada và EU. Tuy nhiên, sau đó Mỹ đã đàm phán được với các đối tác này nên đã dỡ bỏ thuế quan.

“Nếu nói thuế quan Mỹ là mang tính trả thù không chính đáng nhằm vào Trung Quốc là không đúng,” ông Lộc phân tích. “Các nước khác cũng có thâm hụt thương mại với Mỹ nhưng không có bắt buộc chuyển giao công nghệ như Trung Quốc.”

Trong cuộc chiến tranh thương mại kéo dài đã hai năm với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế với gần như hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ nước này trị giá hơn 500 tỷ đô la trước khi hai nước ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi đầu năm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG